Tiềm năng tăng trưởng rõ ràng nhờ nhu cầu phục hồi cùng làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giá nước tăng hàng năm là động lực thúc đẩy các tên tuổi lớn trên thị trường nước mạnh tay mua gom các công ty nước địa phương.
Nhà máy Nước Tân Hiệp. |
Ráo riết gom công ty nước địa phương
Ngành nước vốn được biết đến như ngành có nhóm cổ phiếu phòng thủ danh mục nhờ tăng trưởng ổn định và cổ tức đều đặn. Trong bối cảnh thị trường liên tục rung lắc mạnh gần vùng đỉnh, cổ phiếu ngành nước lại càng được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn, đặc biệt khi các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành bắt đầu nóng lên từ đầu năm 2022.
Đó là khi Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) công bố đầu tư mua cổ phần của 2 công ty nước là Cấp thoát nước Cần Thơ và Cấp nước Cần Thơ 2. Theo kế hoạch, Biwase dự kiến mua gom 20-50% số cổ phần có quyền biểu quyết tại 2 đơn vị trên. Sau khi hoàn thành việc mua vào, Cấp thoát nước Cần Thơ và Cấp nước Cần thơ 2 sẽ trở thành công ty liên kết của Biwase.
Với mức vốn hóa hơn 9.700 tỷ đồng, Biwase hiện là doanh nghiệp giá trị nhất ngành nước trên sàn chứng khoán. Tính đến cuối năm 2021, Công ty đầu tư gần 400 tỷ đồng vào các doanh nghiệp cùng ngành dưới dạng công ty liên kết, như Công ty Cấp nước Gia Tân (tỷ lệ 32,46%) và Công ty Cấp nước Đồng Nai (DNW, tỷ lệ 17,7%). Công ty này đang giao dịch trên UPCoM với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty Cấp nước Đồng Nai cũng đang đầu tư 43,8 tỷ đồng vào Cấp nước Gia Tân dưới dạng công ty liên kết.
Ngoài việc đầu tư vào các công ty nước địa phương tại Đồng Nai, Cần Thơ, Biwase cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận, như Bình Phước, Bến Tre...
- Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình năm 2023 dự kiến đạt 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày, tăng 6% so với năm 2022. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ nước tại Hà Nội sẽ tăng 12%/năm trong giai đoạn 2025-2030, và tăng bình quân 6-8%/năm tại TP.HCM.
- Theo Quy hoạch Tổng thể ngành nước đến năm 2030, mức tiêu thụ nước bình quân đầu người tăng từ 105-110 lít/người/ngày trong năm 2021 lên 120 lít/người/ngày vào năm 2030. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước sẽ tăng từ 43,5% hiện nay lên 47% vào năm 2030.
Cùng thời điểm đó, DNP Water - công ty con của Nhựa Đồng Nai (mã DNP) đã mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu của Nước sạch Bắc Giang (mã BGW). Sau giao dịch, DNP Water đã trở thành cổ đông lớn của Nước sạch Bắc Giang, với tỷ lệ sở hữu gần 25%.
Thời điểm cuối năm 2021, Nhựa Đồng Nai còn sở hữu cổ phần của một loạt doanh nghiệp ngành nước dưới dạng công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bình Thuận, Long An..., trong đó, có nhiều công ty giao dịch trên sàn chứng khoán (chủ yếu là UPCoM) như Công ty Nước sạch số 3 Hà Nội (NS3), Công ty Cấp thoát nước Bình Phước (BPW), CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh (WTN), Công ty Cấp thoát nước Long An (LAW), CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW), Công ty Cấp nước Cà Mau (CMW), Công ty Cấp nước Quảng Bình (NQB)…
Khác với Công ty Nước - Môi trường Bình Dương và Nhựa Đồng Nai, “ông trùm” Cơ điện lạnh (REE) lại chưa có động thái mở rộng mạng lưới ngành nước sau khi tái cấu trúc mô hình vào cuối năm 2020 và tách bạch 3 lĩnh vực hoạt động chính, gồm năng lượng, nước và bất động sản.
Sau khi chuyển hình thức từ CTCP Nước sạch REE sang Công ty TNHH Nước sạch REE (vốn điều lệ 1.630 tỷ đồng), REE cũng chuyển nhượng 8 công ty trong lĩnh vực cấp nước cho doanh nghiệp này, gồm B.O.O Thủ Đức, Nước sạch Sài Gòn, Nước Tân Hiệp, VCW, KHW, TDW, NBW, GDW.
Từ đó đến nay, danh sách các công ty liên kết trong ngành nước của REE không thay đổi, song tổng giá trị đầu tư (bao gồm cả phần lũy kế lợi nhuận) tính đến cuối năm 2022 đã lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Còn mảng nước đóng góp 154 tỷ đồng doanh thu, tăng 67,4%; lợi nhuận sau thuế 339 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2022, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc REE khẳng định, REE vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng với ngành nước thông qua việc tìm kiếm các cơ hội M&A các nhà máy sản xuất và cấp nước, đồng thời nâng cấp công suất nhà máy hiện có.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị REE cho biết, kế hoạch M&A vẫn được Công ty rải đều tất cả các mảng hiện nay, bởi trong bất kỳ lĩnh vực nào (gồm điện, nước và bất động sản) đều có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp đầu tư nhanh chóng, đem lại hiệu quả.
Khu xử lý nước Tân Uyên. |
Cơ hội tăng trưởng
Tiềm năng tăng trưởng rõ ràng của ngành nước có thể là chất xúc tác thúc đẩy các thương vụ M&A ngành này trong thời gian tới. Các doanh nghiệp lớn trong ngành đương nhiên sẽ không muốn bỏ qua cơ hội mở rộng mạng lưới ra những địa bàn có dư địa tăng trưởng cao về nhu cầu nước sạch.
Các chuyên gia phân tích cổ phiếu ngành nước cho rằng, triển vọng ngành này thời gian tới sẽ được hỗ trợ bởi điểm sáng thu hút FDI.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là mức vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Nguồn vốn này được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến - chế tạo. Giới phân tích cũng cho rằng, sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư sẽ giúp thị trường tiêu thụ nước phục hồi nhanh.
Chẳng hạn, với khoản đầu tư 1 tỷ USD của LEGO vào tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP 3, Công ty Biwase sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nước sinh hoạt cao hơn khi công nhân mới di chuyển đến làm việc cho LEGO. Bên cạnh đó, Dự án Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2026 sẽ dẫn đến nhu cầu nước sạch tăng mạnh tại tỉnh Đồng Nai - địa bàn Biwase và Công ty Nước Thủ Dầu Một có lợi thế nhờ cổ phần tại Công ty Cấp nước Đồng Nai.
Thực tế, việc thực hiện các giao dịch M&A với các công ty cùng ngành tại các địa phương đã giúp giá trị cổ phiếu của một số tên tuổi tăng.
Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, cùng với việc thực hiện các giao dịch M&A với CTCP Cấp nước Gia Tân (Đồng Nai) và CTCP Cấp nước Cần Thơ, cổ phiếu của Biwase đã tăng 11,3% trong năm 2022. Ngược lại, cổ phiếu của Công ty Hạ tầng nước Sài Gòn (SII), Cấp nước Chợ Lớn (CLW), Cấp nước Tân Hòa (THW) và Nước sạch Thái Nguyên (TNW) giảm giá 16-42%. SII tiếp tục thua lỗ do hiệu quả phân phối nước thấp, trong khi CLW có đường ống cũ và tỷ lệ thất thoát nước cao, nên hiệu quả hoạt động thấp.
Thực tế, cơ hội M&A trong ngành nước còn rất nhiều. Hiện tại, các công ty cấp nước trên thị trường được chia thành hai nhóm. Đầu tiên là nhóm công ty sở hữu mạng lưới phân phối nước, nhóm thứ hai gồm các công ty sở hữu nhà máy xử lý nước.
Trong đó, các công ty có hệ thống phân phối nước được sự quản lý của UBND tỉnh, đồng nghĩa với việc các công ty này độc quyền phân phối. Nhưng đang có sự thay đổi mạnh mẽ khi các công ty này muốn thoát khỏi cái bóng nhà nước thông qua việc cổ phần hóa và cho phép tư nhân tham gia đầu tư. Đối với những công ty này, chuyên gia phân tích của SSI dự báo, doanh thu năm 2023 sẽ tăng 8% so với năm trước. Trong đó, lượng nước tiêu thụ tăng trung bình 6%, giá nước bán lẻ tăng bình quân 3%.
Hiệu quả hoạt động của các công ty phân phối nước tiếp tục được cải thiện. Giới phân tích kỳ vọng, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong trung hạn. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình dự kiến giảm từ 17,5% năm 2022 xuống còn 16,5% trong năm nay, khi các công ty cấp nước áp dụng hệ thống phát hiện rò rỉ nước tiên tiến, bên cạnh việc cải thiện mạng lưới đường ống dẫn nước cho người tiêu dùng cuối.
Theo tính toán, giá bán nước sạch sẽ tăng 3-5% tùy theo tỉnh/thành phố. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM có khả năng tăng giá bán lẻ bình quân 5% và Bình Định có khả năng tăng giá bán bình quân 3% trong năm 2023. Những khu vực khác như Bình Dương, Hải Phòng và Đồng Nai có thể không tăng giá bán lẻ bình quân trong năm 2023. Trong khi đó, giá nước cho các khách hàng công nghiệp sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ngày càng tăng của các các khách hàng trong khu công nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư FDI.
Có thể thấy, sự hấp dẫn của ngành nước với các nhà đầu tư tư nhân là rất lớn. Đây là ngành kinh doanh mặt hàng thiết yếu, có nhiều yếu tố mang tính độc quyền, triển vọng tăng trưởng sáng, nên đã tích cực thực hiện M&A, đẩy mạnh đầu tư, tạo nên những doanh nghiệp quy mô lớn hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét