Tàu chiến Trung Quốc tham gia diễn tập trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 7-2020
Chiêu trò mới của tham vọng cũ
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc vừa thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này nhằm định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Thay vì coi là khu vực hàng hải “xa bờ” như trước đây, vùng biển này nay được gọi là “gần bờ”. Sự thay đổi thuật ngữ này có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.
Đây không phải là điều bất ngờ mà chỉ là một động thái mới của Bắc Kinh nhằm gia tăng kiểm soát vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Được thiết lập năm 1974, Khu vực hàng hải Hải Nam - Tây Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm của Việt Nam) có phạm vi giới hạn từ 2 điểm trên đảo Hải Nam đến 3 điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Với việc định nghĩa lại khu vực hàng hải này, Bắc Kinh đang hướng đến mục tiêu tự thiết lập một hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Khái niệm mới “gần bờ” sẽ khiến dư luận nhầm hiểu rằng vùng biển này là của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Hoàng Sa của Trung Quốc.
Không khó khăn gì để có thể nhận thấy chiến thuật đánh tráo khái niệm này trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Sau khi yêu sách “Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường 9 đoạn” chiếm tới hơn 70% diện tích Biển Đông bị Tòa trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ hồi năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu đưa ra khái niệm “Tứ Sa” gồm bốn nhóm đảo: Đông Sa (tên quốc tế là Pratas, nằm cách 240 hải lý về phía Tây-Nam của Đài Loan), Trung Sa (nhóm bãi chìm Macclesfield, nằm cách quần đảo Hoàng Sa 75 hải lý), Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa).
Dựa trên “Tứ Sa”, Trung Quốc đưa ra yêu sách với hai loại vùng biển, gồm vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh 4 nhóm đảo này. Như vậy, tham vọng của Trung Quốc là chiếm đóng toàn bộ các cấu trúc và vùng biển rộng lớn ở Biển Đông và lập luận “Tứ Sa” được đưa ra nhằm củng cố mục tiêu này. Không loại trừ khả năng sau khi đã yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu sách thềm lục địa từ “Tứ Sa”.
Trên thực tế, những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng “Tứ Sa” đã được Trung Quốc tích cực thực hiện. Tháng 6-2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa để quản lý Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa cùng các vùng nước phụ cận có diện tích lên tới hơn 2 triệu km2. Giới hạn cụ thể của vùng nước trực thuộc Tam Sa chưa được Trung Quốc xác định rõ, nhưng nhiều khả năng Bắc Kinh muốn ám chỉ vùng nước bên trong “Đường lưỡi bò”.
Gần đây nhất, ngày 18-4, Trung Quốc ngang nhiên lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ ngày 1 đến 5-7-2020, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận phi pháp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Nhiều nước tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc
Có thể thấy yêu sách vùng biển mà Trung Quốc đưa ra dựa trên “Tứ Sa” là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 do áp dụng sai phương pháp xác định đường cơ sở (cho dù là phương pháp đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo), xác định sai vùng đặc quyền kinh tế và yêu sách sai vùng “lãnh hải lịch sử”. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thời gian gần đây, các nước liên tục đưa ra các tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 29-7-2020, Phái đoàn thường trực Malaysia tại (LHQ) đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ, trong đó khẳng định Chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với vùng lãnh hải thuộc Biển Đông được bao phủ trong phạm vi của cái gọi là “Đường 9 đoạn” vì các tuyên bố này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và các quyền hàng hải của Trung Quốc theo quy định của UNCLOS.
Trước đó, ngày 23-7, Australia cũng đã gửi công hàm lên LHQ nhấn mạnh nước này nhận thấy “không có cơ sở pháp lý” cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm.
Đáng chú ý, công hàm của Australia còn khẳng định không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong Công hàm gửi LHQ rằng “các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”. Tiếp đó, đáp lại lời chỉ trích của Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ xung quanh một bình luận của Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O'Farre liên quan đến Biển Đông, ông Barry O'Farre đã nhắc nhở Trung Quốc rằng phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc không có thêm các hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Kết thúc cuộc họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Mỹ - Australia lần thứ 30 tại Thủ đô Washington (Mỹ) hôm 28-7, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã ra tuyên bố chung khẳng định những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông không có giá trị theo luật pháp quốc tế.
Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải trên Biển Đông dựa trên “Đường 9 đoạn”, “quyền lịch sử” hoặc toàn bộ các nhóm đảo trên Biển Đông bởi không phù hợp với UNCLOS. Mỹ và Australia khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc, đồng thời nhấn mạnh tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Mỹ và Australia cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi, bao gồm các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt lâu đời, cũng như đảm bảo nghề cá tại Biển Đông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét