Sau giai đoạn mở rộng ồ ạt các chuỗi, Thế giới Di động đang cho thấy động thái thu hẹp khi đóng cửa hàng loạt cửa hàng Bách hóa Xanh, nhà thuốc An Khang và cắt giảm hơn 7.000 nhân viên chỉ trong quý IV/2022.
Chuỗi Bách hóa Xanh lỗ luỹ kế 7.157,5 tỷ đồng từ khi thành lập năm 2015 tới năm 2022 ảnh: lê toàn |
Kết thúc chu kỳ tăng trưởng
Nhắc tới Thế giới Di động (mã MWG), nhà đầu tư đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ 2011 đến 2019, Công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm.
Với việc duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số liên tục, giới đầu tư xem cổ phiếu MWG là cổ phiếu tăng trưởng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Thế giới Di động chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận tăng 13,6%, thấp hơn nhiều giai đoạn 2011-2019. Đặc biệt, trong năm 2022, lợi nhuận đã giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng và chính thức kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay.
Trong đó, lợi nhuận có dấu hiệu lao dốc trong quý IV/2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 30.588,4 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 619,02 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế trong năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 133.404,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.101,7 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ.
Năm 2023, ngành bán lẻ được dự báo vẫn đối mặt với nhiều thách thức, khi thu nhập người dân sụt giảm, điều này sẽ càng khó khăn hơn với Thế giới Di động.
Trong năm 2022, Thế giới Di động đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Có thể thấy, sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, Thế giới Di động đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và bắt đầu giảm từ năm 2022. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi Thế giới Di động có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách hóa Xanh mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, nhưng gặp khó và liên tục tái cấu trúc song không được như kỳ vọng. Gần đây, Công ty tham gia thêm lĩnh vực bán lẻ thuốc, nhưng nhanh chóng phải tạm dừng kế hoạch mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang.
Thu hẹp chuỗi và cắt giảm nhân viên
Tính tới cuối năm 2022, Thế giới Di động sở hữu 1.190 cửa hàng Thế giới Di động; 2.284 cửa hàng Điện máy Xanh; 1.728 cửa hàng Bách hóa Xanh (giảm 378 cửa hàng so với đầu năm); 500 nhà thuốc An Khang (giảm 29 cửa hàng so với tháng 10/2022).
Được biết, Bách hóa Xanh ra đời năm 2015. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, Bách hóa Xanh được Ban lãnh đạo Tập đoàn học theo một mô hình ở Indonesia, trong hành trình tìm kiếm thứ thay thế cho mảng công nghệ để tiếp tục đà tăng trưởng 2 con số của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế, theo số liệu của cơ quan thuế, chuỗi Bách hóa Xanh liên tục thua lỗ kéo dài trong nhiều năm kể từ khi hình thành. Cụ thể, năm 2016 lỗ 54,9 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 144,6 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 555,6 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 978,4 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 1.713,5 tỷ đồng, năm 2021 (năm hưởng lợi từ Covid-19) lỗ 966,5 tỷ đồng và năm 2022 tiếp tục ghi nhận lỗ kỷ lục từ khi thành lập là 2.744,1 tỷ đồng. Như vậy, riêng chuỗi Bách hóa Xanh, đơn vị này đang lỗ luỹ kế 7.157,5 tỷ đồng.
Tương tự, chuỗi nhà thuốc An Khang cũng liên tục báo lỗ. Trong đó, năm 2019 lỗ 5,9 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 6,4 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 306,2 tỷ đồng.
Thêm nữa, một công ty hoạt động ở nước ngoài là MWG (Cambodia) Co., Ltd cũng đang ghi nhận lỗ liên tục từ năm 2017 đến năm 2022, với số lỗ luỹ kế 604,7 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, nhóm công ty kinh doanh thua lỗ của Thế giới Di động lên tới 8.127,7 tỷ đồng.
Có thể thấy, chuỗi Bách hóa Xanh từ “át chủ bài”, kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của Công ty, nhưng lại liên tục là đơn vị lỗ lớn nhất, tổng lỗ luỹ kế 7.157,5 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu đóng góp lợi nhuận thật sự cho Thế giới Di động.
Được biết, trong năm 2022, Thế giới Di động đã đóng cửa hàng loạt cửa hàng chuỗi Bách hóa Xanh, đồng thời thông báo tái cấu trúc. Bước sang năm 2023, đơn vị này kỳ vọng sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí hoạt động qua các chương trình cải thiện chuỗi cung ứng và mua hàng với mục tiêu đạt điểm hòa vốn chuỗi vào cuối quý IV/2023.
Thực tế, trong nhiều năm, Thế giới Di động liên tục kỳ vọng chuỗi Bách hóa Xanh sẽ đạt điểm hòa vốn, nhưng đã không như mong muốn. Đỉnh điểm là năm 2022 chứng kiến chuỗi này đóng cửa và tái cấu trúc hàng loạt cửa hàng, nhưng vẫn ghi nhận lỗ kỷ lục 2.744,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân được chỉ ra là, chuỗi Bách hóa Xanh chủ yếu nhắm đến phân khúc khách hàng có thu nhập thấp đến trung bình và thường đặt cửa hàng gần các khu công nghiệp. Tình trạng thất nghiệp gia tăng trong năm 2022 do xuất khẩu giảm sút, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.
Có thể thấy, việc xuất khẩu chậm lại, lãi suất tăng cao và siết chặt dòng vốn kênh trái phiếu đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thu nhập, cũng như hành vi tiêu dùng của người dân. Thu nhập giảm xuống, đồng nghĩa chi tiêu cũng giảm xuống, điều này tiếp tục được dự báo ảnh hưởng xấu tới các chuỗi bán lẻ. Trong đó, đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiều năm, hàng hóa xa xỉ như iPhone 14 (ra mắt tháng 10/2022), nhưng doanh số tiêu thụ tại các chuỗi bán lẻ khá thấp.
Bên cạnh việc thu hẹp chuỗi kinh doanh, Thế giới Di động còn cắt giảm hàng loạt nhân viên. Cụ thể, thời điểm 30/9/2022, Thế giới Di động có 80.231 nhân viên, tới thời điểm 31/12/2022, số lượng nhân viên còn lại là 70.202 người, tức giảm 7.029 nhân viên (giảm 8,8% so với thời điểm đầu quý IV/2022).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét