Để phục vụ kế hoạch kinh doanh, nhu cầu sử dụng vốn của các doanh nghiệp là rất lớn. Vì vậy, cần đa dạng kênh tiếp cận vốn, chứ không chỉ trông chờ vào kênh tín dụng ngân hàng.
Khó tiếp cận vốn từ ngân hàng
Ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Triều An, chuyên chế biến mặt hàng nông sản, hoa quả, nước uống ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cho hay, có rất nhiều yêu cầu về thủ tục giấy tờ, điều kiện và ràng buộc mới có thể tiếp cận các gói hỗ trợ đã được ban hành. Doanh nghiệp của ông cũng đã thử các kênh liên hệ để có thể vay vốn nhưng vẫn không đáp ứng được vì tình hình tài chính, các công nợ cũ... vẫn đang trong quá trình giải quyết.
“Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế linh động, phù hợp hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể tiếp cận được trực tiếp với chính sách hỗ trợ. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch cũng như trong giai đoạn vật giá leo thang do ảnh hưởng từ tình hình thế giới”, ông Thụy nói.
Theo chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp, để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải không có nợ xấu, nhưng đồng thời phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... thì mới được vay. Trong khi đó, sau khi trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận.
“Chúng tôi đang vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc trong giai đoạn trước. Làm ăn thì doanh nghiệp nào cũng phải vay vốn, nhưng chúng tôi không có quá nhiều cơ hội”, chủ một doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở TP. Thuận An (Bình Dương) chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, vấn đề chính hiện nay của các doanh nghiệp thành phố là nguồn vốn. Sau đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Phía ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp khi vay phải có tài sản thế chấp, nhưng rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu này.
Trong khi đó, các yêu cầu liên quan đến báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ... vẫn luôn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp rất khó đáp ứng được yêu cầu.
“Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, nhưng chỉ có doanh nghiệp có ‘sức khỏe’ tốt mới kết nối được. Còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì rất khó tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Doanh nghiệp phải đa dạng kênh tiếp cận vốn
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), ở thời điểm hiện tại, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp càng lớn vì cần chuẩn bị cho việc tích trữ nguyên vật liệu đáp ứng các đơn hàng lễ, Tết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực - thực phẩm phải tự lo nguồn vốn, tự đi tìm tài sản thế chấp để được vay ngân hàng. Ngay cả bỏ qua vấn đề tài sản thế chấp, thì 2 tháng nay các ngân hàng lại báo hết room tín dụng cho vay.
“Chúng tôi hiểu Ngân hàng Nhà nước phải cân đối giữa tăng trưởng tín dụng với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ngành ngân hàng nên cân nhắc, ưu tiên room tín dụng đối với các doanh nghiệp lương thực - thực phẩm để doanh nghiệp có thể phối hợp với Thành phố thực hiện tốt kế hoạch bình ổn giá, nhất là vào dịp lễ, Tết sắp tới. Việc ổn định giá hàng hóa cũng là yếu tố then chốt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”, bà Lý Kim Chi nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu điều kiện tài sản đảm bảo và cả phương án kinh doanh khả thi thì sẽ khó tiếp cận tín dụng, bởi vì các tổ chức tín dụng cần đảm bảo kinh doanh để không mất vốn nhà nước và vốn của ngân hàng, dù là ngân hàng tư nhân cũng có thể bị hình sự hóa. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng kênh tiếp cận vốn, chứ không nên chỉ trông chờ vào kênh tín dụng ngân hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp nên quan tâm mảng cho thuê tài chính, bởi lĩnh vực này không cần tài sản thế chấp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, khi doanh nghiệp cần máy móc, thiết bị hiện đại thường có giá trị lớn, họ phải đầu tư ngay một số vốn trung, dài hạn lớn để mua sắm.
Với giao dịch cho thuê tài chính, doanh nghiệp không cần chi ra khoản tiền lớn ngay một lúc, mà chỉ cần trả tiền thuê theo món nhỏ cho từng thời kỳ thỏa thuận. Hiện Việt Nam có 11 công ty cho thuê tài chính và dự báo kênh này sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Riêng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, vị chuyên gia này khuyến nghị, doanh nghiệp có thể tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm.
“Dù hướng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay nào đi nữa, thì các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến vấn đề quản trị tài chính. Việc minh bạch báo cáo tài chính, dòng tiền là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần”, ông Cấn Văn Lực nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét