“Cửa” gia nhập thị trường với tư cách là doanh nghiệp hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam của IPP Air Cargo là rất sáng.
IPP Air Cargo đã đạt được những bước tiến quan trọng trong quá trình xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. |
Chọn thủ tục đầu tư trong nước
Lộ trình bay của IPP Air Cargo đã có thêm những bước tiến quan trọng khi vào đầu tuần này, Cục Hàng không Việt Nam đã có Công văn số 4070/CHK - VTHK gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5762/VPCP - CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đề nghị Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan và cập nhật tình hình phát triển ngành hàng không, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo theo đúng quy định của pháp luật liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Được biết, tính đến ngày 31/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã nhận được góp ý của 6 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Công thương, Xây dựng, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với đề xuất cấp phép bay cho IPP Air Cargo.
Theo Bộ Công thương, hiện nay, Việt Nam có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng bay hàng hóa chuyên dụng. Thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Trong khi đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 chỉ vào khoảng 11%.
Với xu thế chung trên thế giới hiện nay là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có thị trường mục tiêu là các nước phát triển với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao, vì vậy, theo Bộ Công thương, việc có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa do nhà đầu tư trong nước đầu tư sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Thuận lợi lớn đối với IPP Air Cargo là phần lớn ý kiến đều đồng thuận với đề xuất của Bộ GTVT về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (hàng hóa) cho IPP Air Cargo, ngoại trừ đề nghị làm rõ thêm một số nội dung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, tại Công văn số 5989/BKHĐT - KCHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT rà soát, kiểm tra về tình trạng quốc tịch các cổ đông của IPP Air Cargo.
“Trường hợp có cá nhân mang 2 quốc tịch, thì việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.
Theo giải trình của Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ hồ sơ do IPP Air Cargo nộp, 4 cổ đông của hãng bay chuyên biệt về hàng hóa này gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh); Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam và bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam.
Hiện cả 4 người là ông Nguyễn Hạnh, ông Nguyễn Phi Long, bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu đều đã được cơ quan công an địa phương cấp Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân theo quy định.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần IPP Air Cargo cũng đã có Văn bản số 88-22/CV - IPPAC ngày 31/8/2022 gửi Bộ GTVT cam kết lựa chọn thủ tục đầu tư trong nước khi thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa.
Tại Văn bản số 88-22/CV - IPPAC, ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty IPP Air Cargo cho biết, tại mục 2, Điều 16, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP có nêu: “Đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh thực hiện tại Việt Nam, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Chủ tịch IPP Air Cargo xác nhận: “Công ty cổ phần IPP Air Cargo cam kết áp dụng theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước. Hiện nay, chúng tôi đã và đang tiến hành thực hiện các thủ tục thành lập công ty như các công ty trong nước. Đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ giải trình để Thủ tướng Chính phủ sớm có chủ trương cấp phép hoạt động cho hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo”.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Đúng thời điểm?
Nút thắt lớn nhất có thể ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập thị trường hàng không của IPP Air Cargo chính là Covid-19.
Trước đó, trong Công văn số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT nêu tại Công văn số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020, theo đó “việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau dịch Covid-19”.
Trong Công văn số 4070/CHK - VTHK, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm về việc đã đến lúc cấp phép bay cho IPP Air Cargo với tư cách là hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, kể từ ngày 15/2/2022, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, trong đó sản lượng vận tải hành khách nội địa trong quý III/2022 đã tương đương thời điểm năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Đối với vận chuyển hàng hóa, sản lượng vận chuyển trong 7 tháng đầu năm 2022 đã đạt 745.800 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2021 và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019; sản lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 663.600 tấn, tăng 8,8% so cùng kỳ 2021 và tăng 16,1% so cùng kỳ 2019.
Điều đáng nói là, dù sản lượng hàng hóa tăng cao, nhưng thị phần vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam vẫn chỉ đạt 13%, do lượng hàng chuyên chở chỉ là hàng kết hợp trên các chuyến bay chuyên chở hành khách.
Theo khuyến cáo chung của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không chưa tiếp nhận bất kỳ báo cáo nào của các hãng hàng không Việt Nam liên quan đến kế hoạch bổ sung chủng loại tàu bay chuyên chở hàng hóa trong thời gian tới.
“Như vậy, trong điều kiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa vẫn cao, nhưng khả năng cung ứng tải hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam hạn chế, phụ thuộc vào hoạt động vận chuyển hành khách, nên thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam vẫn chủ yếu do hãng hàng không nước ngoài tổ chức khai thác”, ông Sơn nói.
Cần phải nói thêm rằng, từ năm 1991, khi hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng chính thức tách ra khỏi quân đội, tổng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam đạt 18.384 tấn. Qua hơn 30 năm, thị trường vận tải hàng hóa Việt Nam đã đạt 1,3 triệu tấn vào năm 2021 và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trong thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.
Dù có lợi thế chủ nhà, nhưng tổng vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam năm 2019 (trước dịch Covid-19) chỉ đạt 18% thị phần, còn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thị phần hàng hóa quốc tế chỉ đạt 10-12%.
Trong thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3 - 4 lần, thậm chí vào một số thời điểm, đối với một số thị trường trọng yếu, giá cước hàng hóa quốc tế đã tăng 5 - 6 lần so với trước dịch Covid-19.
Theo khảo sát của Cục Hàng không Việt Nam, giá cước vận chuyển hàng hóa từ các cảng hàng không tại châu Á đi Mỹ trước dịch trong khoảng 1 đến 1,8 USD/kg, nhưng nhiều thời điểm trong năm 2020 và 2021 lên tới 8 - 10 USD/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 17-18 USD/kg từ Việt Nam đến Mỹ. Thời điểm hiện tại thì giá cước hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ vẫn duy trì mở mức 8 - 10 USD/kg, là một trong những lý do có thêm nhiều hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ mở đường bay mới đến Việt Nam.
“Như vậy, trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, việc thành lập mới hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Việt Nam là phù hợp”, ông Đinh Việt Sơn nhận định.
Đối với thị trường hàng không quốc tế, hơn 60 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 110 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 24 quốc gia/vùng lãnh thổ là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Australia, Đức, Pháp, Anh, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Luxembourg...
Số lượng hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay chuyên chở hàng hóa thường lệ bằng tàu bay chuyên dụng đến Việt Nam là 47 hãng hàng không (20 hãng nước ngoài khai thác đồng thời cả chuyến bay chở khách và chuyến bay chở hàng hóa đến Việt Nam như Korean Air, Asiana Airlines, China Airlines, Eva Air, Turkish Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways… và 27 hãng hàng không nước ngoài chỉ có chuyến bay chuyên chở hàng hóa).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét