Nhà sáng lập nên phản ứng thế nào khi bị cấp dưới chê kém cỏi?
Khi start-up bước vào giai đoạn tăng trưởng, số lượng nhân sự mở rộng, thì việc người giữ vị trí đứng đầu bị nhân viên phàn nàn về trình độ chuyên môn là chuyện khó tránh khỏi.
Chị Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia của Genesia Ventures Việt Nam đã chia sẻ về một trường hợp như trên. Đó là câu chuyện của một nhà đồng sáng lập start-up mà chị có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện.
Người đồng sáng lập này đồng hành cùng doanh nghiệp từ những ngày đầu thành lập. Thời kỳ đó, doanh nghiệp còn non trẻ, thiếu thốn về nguồn lực, nên anh hầu như kiêm hầu hết các nhiệm vụ, từ viết những dòng code đầu tiên, tiếp xúc với nhà đầu tư để gọi được vòng hạt giống đầu tiên, tuyển dụng nhân sự… Hầu như mọi mọi ngóc ngách của doanh nghiệp đều có dấu ấn của nhà đồng sáng lập này.
Về sau, start-up tìm được đà phát triển, mở rộng tới quy mô lên hàng trăm lao động. Các hoạt động, cách thức làm việc dần chuyển từ chế độ đa nhiệm sang chuyên nhiệm, tức mỗi cá nhân thường là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, có hiểu biết sâu rộng và tập trung làm tốt nhất trong lĩnh vực đó. Kết quả là, những người vốn quen làm tất cả mọi thứ từ ngày đầu như người đồng sáng lập kia có phần không còn phù hợp. Chính anh cũng nói vui rằng, mình là người “cái gì cũng biết, nhưng vào chi tiết thì không biết gì nhiều”. Thậm chí tới mức nhiều nhân viên giỏi chuyên môn được tuyển dụng sau này đã chê anh kém và còn cảm thấy anh đang là “nút thắt cổ chai” cho sự phát triển của công ty.
“Nếu bạn là nhà sáng lập ở trong trường hợp như thế, bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn sẽ cảm thấy cái tôi của mình bị tổn thương? Bạn sẽ cố gồng lên chứng tỏ mình có công xây dựng và bỏ ngoài tai những lời chê trách? Bạn sẽ lặng lẽ đứng ra, cho người giỏi hơn làm thay thế mình? Hay bạn sẽ nhanh chóng bổ khuyết kiến thức còn thiếu của mình, liên tục học tập để bản thân mình trưởng thành về chuyên môn, theo kịp tốc độ phát triển của công ty?”, chị Hoàng Thị Kim Dung đặt câu hỏi.
Theo nhà đầu tư này, con người vốn không có ai là giỏi mọi thứ và hoàn hảo. Vậy nên, việc đầu tiên nhà sáng lập cần phải làm nếu rơi vào trường hợp trên, là hạ cái tôi xuống, đủ khiêm nhường để lắng nghe và ghi nhận góp ý của mọi người.
Bên cạnh đó, họ cần tỉnh táo, cũng như đủ bản lĩnh, tự tin để tìm ra đâu là thế mạnh của mình và đâu là những việc giúp mình có thể đóng góp được nhiều nhất cho công ty. Tiếp theo, nhà sáng lập nên tập trung vào trau dồi, phát triển bộ kỹ năng xung quanh thế mạnh đó thật nhuần nhuyễn, tới mức không ai có thể phủ nhận được vai trò, vị trí của mình trong tổ chức. Với những mảng không phải là thế mạnh, người lãnh đạo cần trao quyền cho những nhân sự có năng lực triển khai tốt hơn và có thể tin tưởng vào họ.
Sau cùng, với bất kỳ start-up nào, chị Dung cho rằng, hầu hết mọi người đến rồi đi, chỉ những người phù hợp ở lại. “Tất cả đều xứng đáng được ghi nhận, vì đã nỗ lực cống hiến cho sự phát triển trong mỗi giai đoạn của start-up”, Giám đốc quốc gia của Genesia Ventures Việt Nam khẳng định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét