Nhiều trường đại học căn cứ vào chứng chỉ IELTS để tuyển sinh. Điều này giúp thí sinh giỏi tiếng Anh có cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học danh giá.
Ảnh minh họa. |
Cơ hội rộng mở cho thí sinh giỏi tiếng Anh
Trường đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Điều kiện bắt buộc là thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm tốt trong 3 năm học THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhà trường quy định. Đồng thời, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên, hoặc chứng chỉ TOEFL iBT từ 79 điểm trở lên. Ngoài ra, thí sinh phải đạt tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2023.
Trong khi đó, thí sinh có mong muốn trúng tuyển Trường đại học Xây dựng Hà Nội có thể lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cùng điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, thí sinh cần chứng chỉ quốc tế tiếng Anh (tiếng Pháp) tương đương IELTS từ 5.0 trở lên, hoặc kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1.100/1.600, hay ACT đạt từ 22/36 và tổng điểm 2 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên.
Năm 2023, Trường đại học Kinh tế quốc dân dự kiến dành 70% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp.
Ở phương thức này, nhà trường xét tuyển 5 nhóm đối tượng cho tất cả 60 mã ngành/chương trình tuyển sinh đại học chính quy. Trong đó, sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển đối với 2 nhóm thí sinh. Nếu thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia, thì phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5...
Xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu thế tất yếu, song xu hướng này sẽ dần dẫn tới tình trạng tiêu cực, thí sinh học lệch.
Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2023, có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại tốt, học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT và đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC, DELF hoặc TCF, HSK và HSKK, chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023) có thể nộp hồ sơ xét tuyển thẳng.
Trường đại học Phenikaa ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, tổng điểm trung bình các môn trong tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt trên 22,5 điểm.
Có cần thận trọng?
Nhìn vào thông tin tuyển sinh nêu trên, có thể thấy, chỉ cần có điểm IELTS từ 6.0 trở lên, cộng với học bạ tốt, học sinh có thể dễ dàng được tuyển thẳng vào các trường đại học tốp đầu mà không cần phải ôn luyện nhiều để đạt được số điểm 27, thậm chí là 30. Nói cách khác, học sinh chuyển từ việc ôn luyện các môn sang luyện thi IELTS.
Theo một số chuyên gia, điều này dễ dẫn đến việc hạn chế khả năng của học sinh. Thay vì phát huy thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, học sinh phải đầu tư phần lớn thời gian cho ngoại ngữ. Đặc biệt, IELTS là một kỳ thi tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải rèn luyện cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết…, với số lượng từ ngữ khổng lồ.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu quan điểm, xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu thế tất yếu, song xu hướng này sẽ dần dẫn tới tình trạng tiêu cực, thí sinh học lệch. Ngoài ra, phương thức tuyển sinh này không tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh thành phố có điều kiện với các thí sinh vùng miền khác.
"Các trường nên lấy kết quả thi IELTS là một tiêu chí để xét tuyển đại học, chứ không phải là kết quả đại diện cho một phương thức tuyển sinh. Về lâu dài, cách làm hiện nay sẽ không ổn, dù kết quả chứng chỉ ngoại ngữ này là chính xác”, ông Khuyến nói.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế. Lý giải việc dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập.
Cụ thể, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau, mà không được kiểm soát về chất lượng. Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...), dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...
Những tiêu cực trên gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư - kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét