Hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của CMSC
Đẩy nhanh việc hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa tổ chức họp về kế hoạch tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là phần việc thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Cuộc họp do ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban chủ trì, với sự tham dự của các thành viên Tổ công tác xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển triển doanh nghiệp thuộc Ủy ban.
Việc hoàn thiện nội dung Chiến lược đầu tư tổng thể thực hiện từ việc xây dựng, hoàn thiện nội dung đối với từng lĩnh vực cụ thể: năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp và hạ tầng giao thông.
Cụ thể, Chiến lược tổng thể được phân thành 5 nhóm, với nội dung 5 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp.
Nhóm lĩnh vực năng lượng (gồm các Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam -TKV).
Nhóm lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (gồm Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam - VNPT, Tổng công ty Viễn thông Mobifone).
Nhóm lĩnh vực nông nghiệp (gồm Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor; Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Vinafood1, Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood2, Tổng công ty Cà phê Việt Nam - Vinacafe, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG).
Nhóm lĩnh vực công nghiệp (gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem).
Nhóm lĩnh vực hạ tầng giao thông (gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam - VNA, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt nam - VEC).
EVN nằm trong nhóm lĩnh vực năng lượng trong Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển triển doanh nghiệp thuộc CMSC |
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các bộ quản lý ngành, nhà khoa học, chuyên gia; thực hiện khảo sát thực tế đối với từng lĩnh vực, tập đoàn, tổng công ty nếu thấy cần thiết. Đồng thời, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực đánh giá sự phù hợp của các nội dung chiến lược với các chiến lược, quy hoạch ngành.
Trước đó, Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 437/TTr-UBQLV ngày 16/12/2021.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban cập nhật Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 91/TTr-UBQLV ngày 06/4/2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Ủy ban tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư bám sát theo 3 nội dung chính. Một là, việc rà soát quá trình tổng kết mô hình Ủy ban. Hai là, việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Ba là việc triển khai thực hiện Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và các quy định có liên quan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét