Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Bốn vấn đề khi đàm phán thỏa thuận sáng lập

Nghĩ đến khởi nghiệp, nhiều start- up thường chỉ để ý đến những vấn đề về xây dựng mô hình kinh doanh, sản phẩm, chiến lược thu hút khách hàng…, mà quên đi viên gạch đầu tiên vô cùng quan trọng: bản giao kèo giữa các nhà sáng lập.

Giáo sư Noam Wasserman của Trường Kinh doanh Harvard từng viết trong cuốn sách The Founder’s Dilemma (Thế lưỡng nan của những nhà sáng lập) rằng, 65% start-up tiềm năng gặp thất bại vì mâu thuẫn giữa các nhà sáng lập.

Trên thực tế, không ít dự án khởi nghiệp đứt gánh giữa đường bởi giữa các nhà sáng lập không tìm được tiếng nói chung khi xảy ra mâu thuẫn. Những người sáng lập start-up lúc đầu thường gắn kết với nhau bằng đam mê, tạo ra những giá trị mới cho xã hội.

Vì vậy, những người sáng lập không chú trọng đến vấn đề pháp lý, mà chỉ chia sẻ ý tưởng và thỏa thuận miệng về các điều kiện kinh doanh với nhau. Tuy nhiên, các thỏa thuận này thường sơ sài và dưới góc độ pháp lý thì chỉ là những thỏa thuận dân sự. Khi dự án khởi nghiệp phát triển tốt và có lợi nhuận, giữa những người sáng lập sẽ xảy ra các xung đột liên quan đến việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích…

Do đó, để hạn chế việc xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên đồng sáng lập cũng như để đảm bảo quyền lợi của công ty, thì việc giao kết thỏa thuận sáng lập (founder agreement) là rất cần thiết đối với mỗi start-up.

Thỏa thuận sáng lập là thỏa thuận pháp lý được giao kết bởi những người sáng lập công ty và có giá trị điều chỉnh mối quan hệ kinh doanh của họ. Nội dung chính của thỏa thuận sáng lập quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người đồng sáng lập.

Khi tiến hành đàm phán thỏa thuận sáng lập, các start-up cần lưu ý 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi nhà sáng lập, khi thực hiện đàm phán thỏa thuận sáng lập, các start-up cần thảo luận, thống nhất và có một bản mô tả công việc. Bản mô tả này cần ghi nhận đầy đủ và chi tiết vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi nhà sáng lập.

Thứ hai, về phân chia quyền sở hữu, thỏa thuận sáng lập cần quy định cụ thể và rõ ràng các tiêu chí phân chia quyền sở hữu như đóng góp tài chính, cơ hội kinh doanh, công sức đóng góp của mỗi nhà sáng lập (theo hiệu quả công việc hoặc theo thời gian làm việc).

Tỷ lệ sở hữu của mỗi nhà sáng lập cũng cần được ghi nhận chính xác trong thỏa thuận sáng lập và vấn đề việc tăng hoặc giảm tỷ lệ sở hữu cũng cần được thỏa thuận và thống nhất.

Thứ ba, về hạn chế cạnh tranh và bảo mật, vấn đề được lưu tâm nhất đối với start-up, đặc biệt là  start-up công nghệ, là việc bảo vệ bí mật công nghệ và bí mật kinh doanh. Việc ghi nhận điều khoản về bảo mật và hạn chế cạnh tranh trong thỏa thuận sáng lập là cần thiết và giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của những nhà sáng lập khi ứng xử với các thiết bị, thông tin mật của công ty.

Quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm cũng cần được nêu rõ trong bản thỏa thuận này để buộc các nhà sáng lập cẩn thận trước khi quyết định thực hiện bất cứ hành vi bất lợi nào cho công ty.

Thứ tư, về việc rút khỏi dự án trước thời hạn, vì đây là việc xảy ra khá phổ biến đối với start-up, nên thỏa thuận sáng lập cần tiên liệu và đưa ra phương án giải quyết thích hợp đối với vấn đề này.

Phương hướng giải quyết và hậu quả pháp lý mà các nhà sáng lập phải đối mặt khi rời khỏi dự án được xem xét dựa trên vai trò của nhà sáng lập, thời điểm rút lui và cách thức rút khỏi dự án. Cần chú ý quy định về khoản bồi thường trong trường hợp nhà sáng lập rút lui, nhưng không báo trước, dẫn đến thiệt hại cho start-up.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét