Những ưu tiên về cơ chế, chính sách, cùng với việc “đi tắt, đón đầu” trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các loại thuốc sinh học, thuốc phát minh sẽ tạo động lực để ngành công nghiệp dược phẩm có những bước phát triển bứt phá.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược do Báo Đầu tư tổ chức Ảnh: Đức Thanh |
Kỳ vọng vào dược phẩm phát minh
Phát biểu tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược do Báo Đầu tư tổ chức ngày hôm qua (20/7), ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thừa nhận, các công ty dược trong nước hiện nay vẫn chủ yếu tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, giá rẻ, khả năng cạnh tranh kém, dẫn đến tình trạng vừa phải cạnh tranh với các loại thuốc generic nhập khẩu, vừa cạnh tranh nội bộ ngành.
Cũng theo ông Hùng, tiềm năng, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền của nước ta chưa được phát huy. Bên cạnh đó, ngành dược rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới. Việc sử dụng thuốc trong điều trị chưa hợp lý…
Sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu, nên mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thuốc chữa bệnh. Giá trị nhập khẩu tăng bình quân khoảng 16%/năm.
Mặc dù vậy, ông Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cũng có những thế mạnh nhất định, nhất là trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin, khi đã tự sản xuất được 11/12 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thực tế trên cho thấy sự cấp thiết phải đổi mới, từ tư duy quản lý đến quy trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành để thúc đẩy công nghiệp dược phẩm phát triển, đặc biệt là, cần đầu tư trọng điểm vào dược phẩm phát minh.
Theo báo cáo mới nhất “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam” của Công ty KPMG, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, tốc độ tăng trưởng hằng năm có thể lên đến 10% trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh, Nghị quyết số 29-NQ/TW là bệ đỡ để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước để kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, chuyển dịch nhanh sang nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam, hiện đại hóa và phát triển bền vững, hoàn thành tốt sứ mệnh đặc biệt của ngành y dược là chăm lo cho sức khỏe của nhân dân.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng khắp sang các ngành nghề khác và mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội thông qua việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua những giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua chi tiêu của người lao động trong ngành này.
Cũng theo báo cáo của KPGM, trên toàn cầu, một số nước với mức thu nhập trung bình đã ưu tiên phát triển ngành dược như một phần của chiến lược phát triển quốc gia. Riêng đối với ngành dược phẩm phát minh, nếu phát triển thành công sẽ tăng thêm 26,8 - 99,3 tỷ USD sản lượng trong năm 2045. Trong đó, chính phủ, ngành và bệnh nhân đều nhận được nhiều lợi ích.
Để phát triển ngành công nghiệp dược phẩm nói chung và dược phẩm phát minh nói riêng, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group đề xuất cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ những ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn.
Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm của ngành dược phẩm phát minh, Pharma Group đề xuất chương trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Đồng thời, việc phát triển ngành phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Bà Eunice Cho, Giám đốc Quốc gia Viatris Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, Viatris đang sở hữu danh mục thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đa dạng, phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực điều trị nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân, gồm tim mạch, giảm đau, tâm thần kinh, sức khỏe nam giới, ung thư, da liễu, sức khỏe nữ giới và Covid-19.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, mục tiêu của Viatris Việt Nam là giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua cam kết của doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung thuốc chất lượng cao dựa trên sự cân bằng giữa sản xuất toàn cầu, trong khu vực và tại địa phương, cũng như những dự án khác của doanh nghiệp góp phần vào việc tăng cường chuyên môn và năng lực y tế trong nước.
“Chúng tôi hy vọng rằng, Dự án Lotus của Viatris, một trong những dự án chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc đầu tiên tại Việt Nam bắt đầu vào năm 2017, sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan”, bà Eunice Cho nói.
Bên cạnh đó, Giám đốc Quốc gia Viatris Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, chiến lược này phù hợp với định hướng của Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể là, thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam để góp phần tăng cường khả năng sản xuất thuốc trong nước, nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực y tế và kỳ vọng qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Gỡ khó về chính sách
Bộ Y tế nhìn nhận, ngành công nghiệp dược Việt Nam còn khá nhiều điểm yếu do thiếu định hướng và chưa chủ động được thuốc sản xuất trong nước. Công nghệ sản xuất dược phẩm ở trong nước chỉ ở trình độ trung bình, bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp, ít có các dạng bào chế công nghệ cao.
Chi phí để đầu tư công nghệ và nghiên cứu rất tốn kém, nên phần lớn các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nghiên cứu để triển khai sản xuất còn thiếu nhiều thiết bị, cơ sở vật chất và trang thiết bị không đồng bộ. Vì thế, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất dược phẩm gặp nhiều trở ngại, dẫn đến năng lực cạnh tranh của ngành còn yếu.
Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xác định ngành dược phẩm là ngành công nghiệp chủ chốt trong việc phát triển kinh tế và tạo ra phúc lợi cho người dân trong tương lai.
Ngoài ra, doanh nghiệp dược nội địa vẫn thiếu các chiến lược dài hơi, kỹ năng tiếp thị còn kém. Thị trường dược Việt Nam còn thiếu tính ổn định, do nguyên liệu sản xuất phụ thuộc tới 90% vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như giá nhập khẩu, biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng.
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ dược phẩm nói riêng và dược phẩm nói chung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cần đặt trọng tâm ưu tiên đầu tư thu hút phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ chế, chính sách đối với ngành dược đã được thể chế hóa ở Luật Đầu tư. Trong đó, sản xuất thuốc và các sinh phẩm thuốc dược phẩm, y học cổ truyền... đều là những lĩnh vực đặc biệt được khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi cao nhất.
Đặt ra câu hỏi, tại sao với những chính sách như vậy, mà thị trường dược Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng (bao gồm việc phát triển ngành dược và sản xuất các loại thuốc công nghệ mới), Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn các bên liên quan thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất những loại thuốc mới, thuốc biệt dược gốc.
Tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược, các chuyên gia cho hay, những thách thức mà ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam đang phải đối mặt cũng đã diễn ra ở nhiều quốc gia trong các giai đoạn phát triển tương tự. Theo ông Tạ Mạnh Hùng, hiện nay, nhu cầu thuốc điều trị thiết yếu, thông thường tại Việt Nam cơ bản được bảo đảm, vì vậy, ngành dược cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, sản xuất những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc hiếm, thuốc phát minh.
Còn theo ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngành dược phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), nên sớm có chiến lược đầu tư các nhà máy kỹ thuật cao, các nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược và chiết xuất hoạt chất, chuyển giao công nghệ trong sản xuất dược phẩm.
Nêu quan điểm để phát triển ngành dược, PGS-TS. Trịnh Văn Lẩu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam đề xuất, cần có sự đột phá về thể chế để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các dạng bào chế thuốc hiện đại.
Đồng tình với ý kiến này, GS-TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội cho rằng, để nâng thứ hạng của ngành dược Việt Nam, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các loại thuốc sinh học, thuốc phát minh… nhằm tận dụng tiềm năng về trình độ khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét