Thi tốt nghiệp THPT 2023: Tăng kiểm tra trước thi với tinh thần không chủ quan
Ngày 23/6, ông Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đồng Nai.
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đồng Nai, các thành viên Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo quốc gia đã có những trao đổi, lưu ý với tỉnh trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác thi tại Đồng Nai. |
Cụ thể là vấn đề bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất sao cho phù hợp tại các Điểm thi; các tình huống trong coi thi, chấm thi; tập huấn nước rút cho những người làm thi, đặc biệt là những người mới; địa điểm in sao đề thi đảm bảo biệt lập; đảm bảo an ninh, an toàn tại các Điểm thi, nhất là khu vực cổng trường, khu vực sát nhà dân; công tác phòng cháy, chữa cháy; phương án xử lý thông tin về kỳ thi…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Đồng Nai trong những năm qua, đồng thời ghi nhận sự chủ dộng của địa phương đối với công tác chuẩn bị kỳ thi năm nay.
Theo Thứ trưởng, Đồng Nai là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông, huy động số lượng người làm thi lớn, theo tổng hợp số liệu quy mô kỳ thi của Đồng Nai năm nay đứng thứ 5 toàn quốc, song với kinh nghiệm tổ chức thành công kỳ thi nhiều năm, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan nên công tác chuẩn bị đến thời điểm này cơ bản đạt yêu cầu.
“Tỉnh đã có đầy đủ phương án về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, dự phòng… cho thấy tinh thần chuẩn bị chủ động, toàn diện, chu đáo cho kỳ thi”, Thứ trưởng đánh giá.
Nhấn mạnh quan điểm, trong công tác thi từng chi tiết nhỏ là không thể bỏ qua và đều hướng tới học sinh, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, tránh những tác động tới tâm lý, tinh thần, kết quả là bài của các em, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng cường công tác kiểm tra trước kỳ thi để kịp thời gian căn chỉnh, với tinh thần chung là không chủ quan.
“Việc kiểm tra sâu, kỹ, từng chi tiết nhỏ, tất cả là để hướng tới chăm lo cho thí sinh, chăm lo cho các thầy cô giáo đang làm công việc hết sức hệ trọng cho kỳ thi. Tôi luôn chỉ đạo không căng thẳng, cường điệu hoá nhưng phải làm hết trách nhiệm, đúng quy định, đúng quy chế”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa tới công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, dành thời gian đi kiểm tra trước kỳ thi, lưu ý công tác chỉ đạo đi vào thực chất.
Một số nhiệm vụ cụ thể được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 lưu ý với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, chỉ đạo phù hợp. Trong tập huấn phải nêu cả hạn chế của năm trước để không lặp lại, những điểm cần lưu ý, cá thể hoá đối tượng tập huấn theo từng nhiệm vụ và xây dựng các tình huống giả định.
Thứ trưởng cũng đề nghị, tỉnh Đồng Nai quan tâm chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị; chú trọng công tác nhân lực, lựa chọn, tập huấn cho đội ngũ làm thi, bởi con người mới là khâu quan trọng nhất.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác phối hợp, trách nhiệm giữa các sở, ngành, đơn vị rõ người, rõ việc, rõ chức năng, đảm bảo chủ động, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra từ sớm, từ xa, chủ động điều chỉnh những bất cập, thanh tra, kiểm tra trên tinh thần lấy phòng ngừa là chính.
Với phương châm không để bất cứ học sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại không thể tham gia kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng cường phối hợp hỗ trợ tối đa học sinh.
Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; làm tốt chế độ thông tin báo cáo và đảm bảo tiến độ thời gian công việc.
Làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia một lần nữa đề cập quan điểm chỉ đạo “4 đúng - 3 không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
“4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường - “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét