EVNNPT và Hà Tĩnh gỡ khó cho đường dây 500 kV cung Quảng Trạch - Quỳnh Lưu
Có nhiều vướng mắc thủ tục pháp lý cần tháo gỡ để triển khai Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Trong Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 –2030, tầm nhìn đến năm 2050 có Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu thuộc Danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030.
Dự án có quy mô 2 mạch, dài khoảng 225,5 km. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, dự án đi qua thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn với tổng chiều dài khoảng 140 km.
Dự án trên cùng với các đoạn tuyến đường dây 500 kV đi ra Phố Nối có tính chất đặc biệt quan trọng giúp nâng cao năng lực truyền tải trục Bắc - Trung (tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức 2.200 MW lên khoảng 5.000 MW).
Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai đầu tư xây dựng dự án, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý điều hành.
Tại buổi làm việc với đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 22/6, Phó tổng giám đốc EVNNPT Trương Hữu Thành cho biết, đây là dự án đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo điện cho miền Bắc từ mùa nắng nóng năm 2024. Chính vì vậy rất cần sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành địa phương có đường dây đi qua.
Do yêu cầu cấp bách về tiến độ dự án, để có cơ sở bổ sung hoàn thiện giải trình các ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm thông qua trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản thống nhất hướng tuyến trong đó cập nhật tên dự án theo Quy hoạch điện VIII (Đường dây 500 kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu).
UBND tỉnh có văn bản khẳng định dự án phù hợp với quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh xem xét có ý kiến thống nhất về sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất và chỉ tiêu đất lúa ảnh hưởng của dự án đối với địa phương.
Sở Tài Nguyên và Môi trường có văn bản xác nhận EVNNPT không vi phạm pháp luật về đất đai. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục thẩm định, trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sau khi CPMB và đơn vị tư vấn rừng hoàn thiện trình hiệu chỉnh (dự kiến trình trước 26/6/2023).
UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản góp ý thống nhất chủ trương đầu tư dự án với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. UBND tỉnh và các huyện hỗ trợ cập nhật quy hoạch sử dụng đất của Dự án.
Lãnh đạo EVNNPT cũng kiến nghị, sau khi dự án triển khai thi công, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các công việc khác nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án. Hỗ trợ nhà thầu trong việc giải quyết các thủ tục, vận động các hộ dân về mặt bằng phục vụ thi công dự án ngay từ ban đầu, đảm bảo tính pháp lý xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành trong tỉnh Hà Tĩnh cùng thảo luận, thống nhất với EVNNPT để hỗ trợ tối đa đơn vị trong việc triển khai dự án.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ôngTrần Báu Hà cho biết, đây là dự án đặc biệt quan trọng và cấp bách nhằm đảm bảo điện cho miền Bắc từ mùa hè năm 2024. Tỉnh Hà Tĩnh đã xác định rõ nhiệm vụ của mình và cơ bản thống nhất với 7 kiến nghị của EVNNPT cũng như khẳng định sẽ vào cuộc quyết liệt để những kiến nghị của EVNNPT được giải quyết thấu đáo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với EVNNPT và các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình UBND tỉnh để tỉnh có văn bản chính thức gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm sớm khởi công và hoàn thành dự án đáp ứng yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét