Từ nay đến cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp Mỹ lên kế hoạch đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và sẽ có cuộc gặp với thành viên Chính phủ.
Nhận định của nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ đối với thị trường Việt Nam trong trung hạn là tích cực. |
Thông tin này được ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) chia sẻ tại Tọa đàm “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều 8/5/2023.
Chia sẻ về nhận định của các nhà đầu tư Mỹ đối với thị trường Việt Nam, ông Thành nói: trước những biến động không mấy khả quan của kinh thế thế giới, nhưng doanh nghiệp Mỹ vẫn nhìn vào Việt Nam với đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng trong trung hạn. Bằng chứng là cuối tháng 3, một đoàn gồm 52 tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và hợp tác thương mại.
Từ giờ đến cuối năm, tiếp tục có các đoàn doanh nghiệp Mỹ sẽ đến Việt Nam, lịch dày đến tháng 11 năm nay.
Thực tế, dịch chuyển tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn diễn ra mạnh với doanh nghiệp Mỹ. Ông Thành cho hay: "Cuối năm ngoái, tôi đi dự khai trương dự án đầu tư mở rộng của 1 doanh nghiệp điện tử ở phía Bắc, họ dự kiến tăng gấp đôi công suất sản xuất để tăng gấp 4 lần doanh thu xuất khẩu từ Việt Nam.
Phía Nam cũng có 1 doanh nghiệp điện tử đang có kế hoạch trong vòng 12-18 tháng tới cũng đầu tư tăng gấp đôi công suất so với hiện tại".
Ngoài các dự án đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn của doanh nghiệp Mỹ, thời gian gần đây, đã xuất hiện xu hướng một số doanh nghiệp Trung Quốc, là nhà cung cấp cấp 4, cấp 5 cho chuỗi cung ứng của Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc thuê nhà máy ở Việt Nam.
"Ban đầu, các doanh nghiệp này chưa muốn sở hữu nhà máy, họ muốn chuyển ngay chuyển nhanh việc sản xuất thông qua việc thuê nhà máy và nhân công tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu, theo đó, họ chỉ chuyển nguyên vật liệu sang, số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu thuê nhà máy đã bắt đầu tăng rồi. Chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn tại Việt Nam sẽ tiếp tuc tăng trong thời gian tới", ông Thành cho biết thêm.
Một số chỉ dấu tích cực khác về thu hút FDI từ Mỹ, các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Mỹ vẫn dành sự quan tâm lớn đến các lĩnh vực logistics, y tế, dịch vụ du lịch của Việt Nam.
Cùng đó, doanh nghiệp Mỹ đặt mục tiêu hợp tác về chuyển đổi số và chương trình chuyển đổi xanh của Việt Nam nhằm đáp ứng các cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về logistics, trong đó có chuyển phát nhanh, vận chuyển bằng đường hàng không cũng đầu tư mạnh. Tập đoàn chuyển phát nhanh hàng đầu của Mỹ, UPS đầu tư 6 máy bay chở hàng có điểm khởi phát từ Việt Nam, đồng nghĩa với tiên lượng của nhà đầu tư này về lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu tiếp tục gia tăng.
Hay một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng nhận hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu cũng đầu tư mở rộng phòng Lab tại Hải Dương, dù doanh nghiệp này đang có phòng Lab đang hoạt động hiệu quả tại TP.HCM.
Ông Vũ Tú Thành cho rằng, động thái đầu tư mở rộng này nhằm phục vụ cho dịch chuyển chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.
Trước đó, trong tháng 2 và 3 năm nay, Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ, bà Marisa Lago và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đều đã có chuyến thăm tới Việt Nam, gặp gỡ thành viên Chính phủ, thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác thương mại đều khẳng định, ưu tiên của chính quyền Tổng thống Binden là đảm bảo an ninh và sức chống chịu của chuỗi cung ứng, trong đó có lĩnh vực y tế, vật tư phòng dịch...
Năm 2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt - Mỹ đạt xấp xỉ 123,86 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD (tăng 13,6% so với 2021).
Với lượng hàng hóa có giá trị lên tới 109,2 tỷ USD, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay cán mốc 100 tỷ USD/năm và tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét