Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt phải dán nhãn “Tây”

Hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt phải dán nhãn “Tây”

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp Việt đã có thương hiệu riêng, nhưng chưa được quảng bá và chưa được biết đến chính thống, bài bản.

Bị yêu cầu dán tem nhãn "Tây"

Tại Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng ĐBSCL với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” do Bộ Công thương vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Lê Quang Nguôn, đại diện Công ty TNHH Green Powers tại tỉnh Bến Tre chia sẻ, doanh nghiệp đang xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như bưởi, dừa, sầu riêng… Tuy nhiên, khi sang Pháp, khách hàng yêu cầu dán tem nhãn của Pháp, vì thương hiệu của nhà sản xuất dù có, nhưng không mạnh dẫn đến khó bán được hàng ở thị trường nghiêm ngặt và khó tính.

Theo bà Bùi Hương, đại diện Cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh, doanh nghiệp đang xuất khẩu 3 triệu ống hút cỏ bàng/tháng, trong đó, thị trường Pháp chiếm 60%, Hàn Quốc chiếm 30% và 10% ở các nước còn lại. Dù hoạt động xuất khẩu khả quan, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa lưu được dấu ấn của mình trên thị trường quốc tế vì thương hiệu chưa được đầu tư. 

Một gian hàng nông sản Việt tại sự kiện triển khai xúc tiến thương mại cho vùng ĐBSCL
Một gian hàng nông sản Việt tại sự kiện triển khai xúc tiến thương mại cho vùng ĐBSCL.

Vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Hiện nay, một trong những điểm yếu của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng là doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa mạnh về thương hiệu. Khi xuất sang nước ngoài sẽ có hai trường hợp diễn ra, một là vẫn ở bậc dưới thương hiệu của nhiều nước, hai là đã có thương hiệu riêng, nhưng chưa được quảng bá và chưa được biết đến chính thống, bài bản”.

Chỉ 1-2% doanh nghiệp nông sản đáp ứng quy trình chuẩn quốc tế

Tại tỉnh Long An, ngoài đáp ứng nội địa, một lượng lớn nông sản đang xuất khẩu và được tiêu thụ ở nước ngoài. Riêng về thanh long, hiện tỉnh này xuất khẩu khoảng 70-75% trong tổng sản lượng là 350.000 - 420.000 tấn/năm, trong đó, khoảng 85% là xuất sang Trung Quốc và 15% là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại tỉnh Long An, các thị trường này tương đối khó tính và có những yêu cầu về sản xuất khác biệt. Các điều kiện về an toàn thực phẩm như: Hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, các vi sinh vật… đòi hỏi chỉ tiêu an toàn thực phẩm cũng như một số hàng rào kỹ thuật tương đối cao nên chỉ có một số đơn vị HTX đáp ứng được.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Úc - Việt (AVBC) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đúng quy trình của thị trường Úc chỉ đạt từ 1-2% trên tổng số doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, trong thời gian tới có thể tăng lên 20-30% nếu có định hướng thay đổi mô hình quản lý chất lượng sản phẩm và chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngành công thương sẽ đi mời khách

Ông Nguyễn Huỳnh Đức cho biết, tỉnh Long An thường xuyên cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ sở, đơn vị để hiểu biết hơn yêu cầu của từng thị trường nhằm trồng, sản xuất và đáp ứng theo các quy định quốc tế.

Liên quan vấn đề, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam… để mời doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam giới thiệu đến các đối tác tiềm năng ở quốc tế; mời các đoàn nước ngoài đến Việt Nam để mua hàng.

Thông qua chương trình thương hiệu quốc gia, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và nông dân xây dựng thương hiệu, kể cả thương hiệu tập thể để tăng tính cạnh tranh.

Dù vậy, ngoài nâng cấp chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp phải luôn chú trọng thông tin thị trường, bao bì đóng gói để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đón đầu thị trường mới có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét