VinFast ra mốc mới; Vietjet chào bán cổ phiếu giá cao; Vietnam Airlines lý giải vì sao lỗ
Vietjet muốn bán cổ phiếu cho tập đoàn, nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ tài chính; VinFast lên lịch xuất xe sang Mỹ; Vietnam Airlines nói không thể có lãi nếu chỉ vận tải hàng không; EVN lỗ do giá nhiên liệu tăng.
Đầu tháng 11/2022, lô xe điện VinFast đầu tiên sang Mỹ, châu Âu và Canada
Hãng xe điện VinFast sẽ xuất khẩu lô xe VF 8 đầu tiên với số lượng khoảng 5.000 chiếc tới Mỹ, Canada và châu Âu vào đầu tháng 11/2022. Dự kiến, những khách hàng quốc tế đầu tiên của VinFast có thể được nhận xe vào tháng 12.
VinFast đã bàn giao 100 chiếc VF 8 đầu tiên cho khách hàng đặt cọc sớm nhất vào ngày 10/9/2022. |
Trước đó, VinFast cũng đã bàn giao 100 chiếc VF 8 đầu tiên cho khách hàng đặt cọc sớm nhất vào ngày 10/9/2022. Hiện tại, VinFast cho biết đã nhận được 73,000 đơn đặt hàng xe điện trên toàn cầu.
VinFast VF 8 có hai phiên bản gồm Eco và Plus. Với khách hàng thuê pin, giá bán của 2 phiên bản VF8 Eco và Plus sẽ lần lượt là 1,094 tỷ đồng và 1,263 tỷ đồng. Nếu mua đứt pin, mức giá khách hàng phải trả sẽ là 1,478 tỷ đồng và 1,646 tỷ đồng. Như vậy, mức chênh giữa việc chọn thuê pin và mua đứt pin sẽ là 384 và 383 triệu đồng.
Vietjet sẽ chào bán cổ phiếu cao hơn giá hiện tại
Vietjet sẽ chào bán riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu cho 100 nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá bán 135.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá đang là 117.500 đồng.
Vietjet dự định phát hành riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu VJC, tương đương với 6,43% tổng số cổ phần đang lưu hành. |
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet đã thông qua việc triển khai các công việc chi tiết phương án phát hành, sử dụng vốn, đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022.
Cụ thể, Vietjet dự định phát hành riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu VJC, tương đương với 6,43% tổng số cổ phần đang lưu hành. Giá phát hành dự kiến là 135.000 đồng/cổ phiếu.
Sau phương án phát hành trên, Vietjet sẽ thu về 4.698 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ 5.416 tỷ đồng lên 5.764 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu nhằm "nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh".
Đối tượng phát hành của Vietjet là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng dưới 100 nhà đầu tư. Vietjet cho biết sẽ chọn những tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư; nhà đầu tư tài chính trong nước hoặc nước ngoài; các tổ chức có hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh về công nghệ, logistic, dịch vụ, hàng không hoặc có khả năng hỗ trợ tài chính cho công ty cũng sẽ được ưu tiên.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vietjet là 16,82%, trong khi tỷ lệ tối đa là 34%. Để đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật, công ty sẽ tạm chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 30% cho đến thời điểm hoàn tất đợt phát hành.
Về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất Vietjet đạt 16.112 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, lần lượt tăng 113% và 249% so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Vietnam Airlines: Không có doanh nghiệp nào có lãi về vận tải hàng không
Theo đại diện Vietnam Airlines, dù thị trường hàng không nội địa khởi sắc nhưng thị trường hàng không quốc tế chưa phục hồi, đội bay chỉ khai thác 75% cộng thêm lỗ lũy kế các năm trước khiến hãng này chưa thoát lỗ.
, |
Nhìn vào báo cáo tài chính, thì không có doanh nghiệp nào có lãi về vận tải hàng không. Nếu kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần thì cả năm nay không một hãng hàng không nào của Việt Nam có lãi. Vietnam Airlines ngoài vận tải hàng không thì không kinh doanh gì. Cổ đông lớn nhất là Nhà nước thì cũng không có giải pháp gì ngoài hỗ trợ vay ưu đãi và phát hành thêm cổ phiếu.
Các hãng khác có nhiều khoản bù đắp cho vận tải như thu nhập từ hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm: có thể có thời điểm vận tải hàng không có lãi nhưng cả năm thì không có hãng nào của Việt Nam có lãi từ kinh doanh vận tải
Theo đại diện Vietnam Airlines, Chính phủ Việt Nam đã mở cửa hàng không quốc tế sớm so với nhiều nước. Việt Nam là nước đầu tiên cho khách chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhập cảnh.
Tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đi máy bay đến Việt Nam chỉ đạt 18% so với năm 2019, riêng tháng 8/2022 đạt 38% so với 2019. Lý do là nhiều thị trường hàng không lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn rào cản chống dịch.
Còn thị trường hàng không nội địa, từ tháng 4/2022 khách bắt đầu tăng hơn so với cùng kỳ 2019, đến tháng 7/2022 lượng khách tăng hơn 40% so với 2019, nhưng đến tháng 8/2022 chỉ cao hơn 35% so với tháng 8/2019.
Tuy nhiên, khách chỉ phục hồi nhanh ở 2 nhóm đường bay du lịch và một số đường bay địa phương. Đường bay Hà Nội - TP.HCM khách chỉ gần bằng năm 2019. Riêng đường bay TP.HCM - Đà Nẵng chỉ đạt 80% khách so với năm 2019.
Giá vé máy bay trong tháng 6 và 7/2019 tương đương với giá vé tháng 8/2019, còn lại giá vé trung bình thấp hơn 2019. Do các hãng dư thừa máy bay từ các đường bay quốc tế nên đưa vào khai thác nội địa khiến thừa ghế cung ứng dẫn đến cạnh tranh giá vé thấp với nhau, việc này vẫn tiếp tục tiếp diễn đến cuối năm.
Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn từ: chiến sự Nga - Ukraine, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu; giá nhiên liệu bay Jet A1 vẫn ở mức cao, bình quân 130 USD/thùng so với mức bình quân 74 USD/thùng vào năm 2019. Ngoài ra, biến động tỷ giá khi USD tăng giá khiến chi phí các hãng bay tăng do cấu trúc chi phí của các hãng có 70% bằng USD. Đồng yen Nhật và euro mất giá mạnh khiến doanh thu trên các đường bay tới Nhật Bản và châu Âu giảm.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã giảm lỗ được 1.440 tỷ đồng nhưng tới cuối năm vẫn còn các khó khăn nêu trên nên Vietnam Airlines tiếp tục dự kiến lỗ cả năm 2022 gần bằng số lỗ kế hoạch mà cổ đông thông qua là 9.335 tỷ đồng.
"Chúng tôi coi con số này là mức trần nhưng chắc chắn sẽ giảm tốt hơn so với con số trên" - đại diện Vietnam Airlines cho biết.
EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng nửa đầu năm 2022
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, tổng doanh thu EVN là 221.231 tỷ đồng, tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy doanh thu tăng nhưng giá vốn của Tập đoàn cũng tăng mạnh, khiến EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản EVN là 673.157 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm |
Trừ đi các loại chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản EVN là 673.157 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm (giảm 4,57%).
Trong khi đó, trên báo cáo tài chính công ty mẹ, doanh thu EVN đạt 189.194 tỷ đồng, lỗ gộp 13.400 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 22.200 tỷ đồng.
Được biết, trong 6 tháng năm 2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 60,54 tỷ kWh, chiếm 45% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống, là 133,11 tỷ kWh.
Đến 8 tháng, điện sản xuất đạt 84,57 tỷ kWh, chiếm 46,49% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống là 181,92 tỷ kWh.
EVN cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét