Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia.
Ngày 16/9, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Chương trình thu hút hơn 150 doanh nghiệp quan tâm tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Trong khi đó, có đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ, chiếm trên 16% kim ngạch và tờ khai xuất nhập khẩu.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Vũ Quyền) |
Trước tình hình đó, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Tham gia chương trình, các doanh nghiệp sẽ đạt được nhiều lợi ích như: giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tùy theo điều kiện của từng đơn vị, có thể được bố trí luồng riêng để hỗ trợ; được các cán bộ hải quan có kinh nghiệp trợ giúp, tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng và đỏ; cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro giúp cho doanh nghiệp…
Do chương trình thí điểm, đối tượng tham gia sẽ được chọn kỹ lưỡng, đáp ứng một số điều kiện nhất định. Có thể tính đến như doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc cập nhất thông tin theo quy định Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019; doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên 365 ngày và được cơ quan hải quan đánh giá cần khuyến khích nâng cao mức độ tuân thủ; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được cơ quan hải quan gửi văn bản mời tham gia Chương trình và tự nguyện đăng ký tham gia chương trình.
Giai đoạn đầu sẽ có khoảng hơn 266 doanh nghiệp với các loại hình: nhà nước doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu.
“Từ đó, cơ quan hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình… Nếu giai đoạn đầu mà tốt, từng cục hải quan địa phương có thể mở rộng cho tất cả các đối tượng”, ông Cường giải thích.
Mục tiêu chương trình hướng đến là sau 2 năm thí điểm, doanh nghiệp tham gia sẽ từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức độ tuân thủ trung bình và cao). Đồng thời, doanh nghiệp sau khi tham chương trình sẽ là tình nguyện viên góp phần tuyên truyền giúp các doanh nghiệp còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Đại diện một số doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với cơ quan Hải quan các địa phương. (Ảnh: Vũ Quyền) |
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Hải quan yêu cầu, Cục Hải quan địa phương chủ động hướng dẫn, tuyên truyền, giúp đỡ các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Đồng thời, các cơ quan hải quan đảm bảo phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 1.413 đại lý làm thủ tục hải quan trong đó có khoảng 7% tờ khai hải quan được làm thủ tục thông qua đại lý; 85% tuân thủ thấp và không tuân thủ còn lại 15% là tuân thủ cao và trung bình. Vì vậy, trong giai đoạn này, ngành hải quan cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan.
Ông Alrick Brooks, Cố vấn Hải quan, Phòng Ngoại vụ – Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (U.S.CBP) chia sẻ một số kinh nghiệm của Hải quan Hoa Kỳ. Mỹ đã thành lập một số chương trình doanh nghiệp Đáng tin cậy của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).
Trong đó CTPAT - Đối tác Hải quan - Doanh nghiệp chống Khủng bố là một chương trình an ninh chuỗi cung ứng tự nguyện của khu vực công - tư do CBP dẫn dắt. Chương trình được thực hiện bắt đầu từ tháng 11/2001, để giải quyết các lo ngại về an ninh sau sự kiện 11/9. Thông qua chương trình này, CBP hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện an ninh biên giới của Hoa Kỳ.
“Trong 20 năm qua, CTPAT đã phát triển lên tới hơn 11.400 đối tác được chứng nhận. Trong năm tài chính 2021, các đối tác CTPAT đã tiết kiệm được 58,1 triệu USD chi phí hàng năm nhờ lợi ích của việc cắt giảm kiểm tra. 53,4% hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ theo giá trị được chứng nhận CTPAT. Trong năm tài chính 2021, tỷ lệ tuân thủ của các đối tác CTPAT với các nguyên tắc an ninh đã thiết lập là 98,2%”, Ông Alrick Brooks cung cấp.
Đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phạm Hải Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan với mục tiêu nâng cao mức độ tuân thủ cho doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Thông qua chương trình này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp sẽ chủ động hợp trong việc tuân thủ pháp luật hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu…", ông Tùng cam kết.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Hải quan TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và đại diện 16 doanh nghiệp tham gia chương trình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét