Nếu không thụ hưởng được chính sách tốt, bài toán phục hồi và tái cơ cấu của doanh nghiệp sẽ còn khó khăn.
Có những điều kiện, tiêu chí được cho là không sát với hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tồn tại trong các văn bản pháp luật |
Doanh nghiệp rất quan ngại
Nửa tháng sau cuộc hội thảo với Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm của Bộ Y tế, tuần trước, Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn thực phẩm, Hiệp hội Sữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) buộc phải có văn bản gửi Bộ Y tế, tiếp tục theo đuổi các kiến nghị góp ý cho Dự thảo.
Lý do là các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp vẫn chưa thể an tâm với Dự thảo mới. Thậm chí, như ý kiến mà Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn thực phẩm đã nhận định, đó là còn có nội dung không rõ ràng, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. “Những điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, trong khi chưa có báo cáo đánh giá lợi ích mang lại”, ông Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật an toàn thực phẩm lo ngại trong văn bản góp ý lần thứ hai, vừa gửi Bộ Y tế.
Trong 5 nhóm quan ngại được tổng hợp, yêu cầu ghi nhãn 7 chất trong Dự thảo tiếp tục khiến doanh nghiệp không đồng tình. “Chúng tôi kiến nghị ghi nhãn 4 chất giống như Singapore, Malaysia, hoặc 5 chỉ tiêu như Nhật Bản, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để phân loại nhóm sản phẩm nào cần ghi chi tiêu gì, nhưng Ban soạn thảo không tiếp thu. Vấn đề là hướng dẫn của Ban soạn thảo là chưa phù hợp, thiếu cả cơ sở khoa học và thực tiễn”, ông Giang giải trình chi tiết.
Trong các lý giải lý do không tiếp thu góp ý trên, Ban soạn thảo cho rằng, do mô hình bệnh tật gia tăng, do lượng tiêu thụ đường, muối trung bình của người trưởng thành Việt Nam quá cao… Tuy nhiên, các doanh nghiệp không đồng tình với cách buộc tất cả thực phẩm phải ghi nhãn 7 chất như nhau, vì tốn kém mà không hiệu quả.
Đó là chưa kể, với quy định này, để các sản phẩm như lọ cà muối, lọ hạt tiêu xay hay túi mít sấy… được phép bán, thì các doanh nghiệp sẽ phải tốn cả trăm tỷ đồng kiểm nghiệm, vì thành phần dinh dưỡng của nông sản thay đổi theo mùa, theo thời tiết, thời điểm thu hoạch… và để thay đổi cả bao bì…
Đáng nói thêm là, nhiều sản phẩm thực phẩm đang sản xuất theo phương pháp thủ công, như bánh chưng, bánh tét… có thể sẽ bị cấm bán nếu không làm rõ các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Thông tư.
Khi khoảng cách giữa thực tế và văn bản nhiều khi phi lý
Không chỉ gửi Bộ Y tế, một số hiệp hội doanh nghiệp muốn gửi các kiến nghị trên tới Chính phủ. “Lo ngại cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tiễn đang rất lớn”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ quan điểm khi tiếp cận các văn bản trên.
Đây không đơn giản là lo ngại của ông Cung. Khảo sát trực tiếp doanh nghiệp mới đây của Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia) cho thấy rõ tình trạng này. Trong nội dung dự thảo tham luận mà Nhóm gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 của Quốc hội (diễn ra ngày 18/9), Nhóm nghiên cứu còn cho rằng, đây là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi bị triệt tiêu, như điều kiện quá bất cập của chính sách hỗ trợ lãi suất 2% hay chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với người lao động chịu tác động do Covid-19…
“Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán…”, Nhóm nghiên cứu liệt kê các vấn đề mà doanh nghiệp chia sẻ qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Nhưng đáng nói là, có những điều kiện, tiêu chí được cho là phi thực tế, không sát với hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tồn tại trong các văn bản pháp luật rất lâu, khiến hoạt động của doanh nghiệp rơi vào tình trạng rủi ro, khó kiểm soát.
Ví dụ, Điều 6, Thông tư 42/2017/TT-BGTVT yêu cầu xe từ 9 đến dưới 24 chỗ cần có thùng đựng rác trên xe. Dù quy định này được cho là yếu tố chất lượng phục vụ, không có ý nghĩa ảnh hưởng tới an toàn giao thông của xe, nhưng vì được quy định trong văn bản, nên nếu doanh nghiệp không thực hiện, có thể sẽ bị phạt…
Trong một số trường hợp, Nhóm nghiên cứu nhận định, các văn bản luật khi được ban hành quá mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc hiểu ý các văn bản luật, làm các chủ thể kinh tế này không thể mạnh tay khi triển khai văn bản luật.
Trong giải pháp mà Nhóm nghiên cứu đề xuất, việc lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách, kể cả khi chính sách đã ban hành đòi hỏi các hoạt động đối thoại chính sách với doanh nghiệp cần diễn ra liên tục.
Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, việc cần làm ngay vẫn là rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, tháo bỏ các giấy phép con không phù hợp và cập nhật các chính sách cũ, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Không thể để các chính sách tốt, cần cho doanh nghiệp không thể đến với doanh nghiệp, thậm chí làm khó doanh nghiệp chỉ vì thủ tục hành chính hay tư duy không phù hợp”, ông Cung chia sẻ quan điểm trước thềm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022.
Với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 nhằm tập hợp, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội...
Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…
Dự kiến, Diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề. Chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ đề chuyên đề 2 là thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Tại các phiên, các diễn giả sẽ trình bày tham luận, sau đó là Tọa đàm cấp cao giữa các diễn giả là đại diện cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, tổ chức quốc tế và một số chuyên gia với các đại biểu tham dự. Dự kiến sẽ có khoảng 350 - 400 đại biểu tham dự trực tiếp Diễn đàn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét