Khan đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm, dòng tiền khó khăn…, nhưng lúc này, doanh nghiệp dệt may, nhôm còn khó hơn nữa, buộc phải dừng sản xuất, chậm đơn hàng do cắt điện luân phiên.
Sản xuất bị đe dọa
Kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU, nhu cầu thị trường chưa phục hồi đã khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,3%, tương ứng giảm 18,8 tỷ USD.
Lúc này, đơn hàng vẫn chưa khởi sắc rõ rệt, nhưng xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất, giá hàng hoá xuất khẩu giảm và lo ngại nhất là sản xuất không thể liên tục vì thiếu điện.
Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới đạt 14,35 tỷ USD (dệt may 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%; xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27%...).
Đã vậy, việc cung ứng điện liên tục bị gián đoạn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp.
Giám đốc Nhà máy Sợi Đồng Văn Hanosimex, ông Đặng Tiến Dũng cho biết: “Từ ngày 1/6 - 11/6, Đồng Văn Hanosimex đã mất điện 5 lần và có thể còn tiếp diễn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp không thể trở tay được khi điện lực không thông báo kế hoạch cắt điện bằng văn bản trước từ 3 - 5 ngày, mà chỉ thông báo đột xuất trên các hội, nhóm của mạng xã hội (Zalo, Facebook) trước thời điểm cắt điện.
Do việc mất điện xảy ra thường xuyên, liên tục, nên sản lượng của Nhà máy bị sụt giảm ảnh hưởng tới thực hiện kế hoạch sản xuất, tiến độ giao hàng. Cùng đó, việc đóng mở máy liên tục đã làm tăng mức tiêu thụ điện.
Trong khi đó, Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B (Hưng Yên) có 53 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất. Mất điện, cắt điện các đường dây tại KCN thường xuyên xảy ra làm sản xuất ngừng trệ, lỗi, hỏng hàng, không kịp tiến độ giao hàng.
Thiếu điện cũng khiến các nhà máy trong ngành nhôm phải cắt giảm công suất và cắt giảm khoảng 40% việc làm, làm giảm thu nhập trực tiếp của gần 40.000 lao động.
Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam phát hành ngày 19/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề cập đến tình trạng thiếu điện ở miền Bắc với nhiều lo ngại.
WB cho rằng, miền Bắc bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5/2023, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Xuất khẩu hàng hóa thấp hơn 6% so với 1 năm trước do nhu cầu bên ngoài yếu. Nhập khẩu giảm 18,4% trong tháng 5 năm 2023 (so với cùng kỳ năm trước), phản ánh nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục chậm lại. Điều này có thể cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ còn tiến triển chậm trong những tháng tới.
Lo đàm phán với khách hàng
Điều doanh nghiệp lo ngại nhất khi cắt điện là sản xuất không kịp tiến độ để giao hàng, dẫn tới nguy cơ bị khách hàng phạt hợp đồng, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Chúng tôi phải đàm phán lại với khách hàng về tiến độ giao hàng và có nguy cơ bị phạt hợp đồng vì chậm tiến độ giao hàng”, ông Dũng cho biết thêm.
Trong bối cảnh đó, Nhà máy lên kế hoạch sử dụng, khai thác tối đa công suất điện năng lượng mặt trời trên mái 2 phân xưởng sợi, chạy tối đa năng lực ở đầu dây chuyền như bông chải - ghép thô, nhất là vào ca đêm có giá điện năng thấp.
Để duy trì sản xuất cho 53 doanh nghiệp tại KCN Phố Nố B, Giám đốc Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối, ông Tạ Hữu Doanh kiến nghị: “Trong trường hợp bắt buộc phải cắt điện, đề nghị sắp xếp cấp điện cho Khu công nghiệp ít nhất 4 ngày liên tiếp trong tuần và nguồn điện ổn định để doanh nghiệp ổn định sản xuất. Khi có lịch cắt điện, đề nghị thông báo cho doanh nghiệp trước ít nhất 24 tiếng.
Với ngành nhôm, Hội Những nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam (VAA) đề nghị, tuyệt đối không cắt điện sản xuất đột ngột.
“Do đặc thù của ngành sản xuất kim loại cần điện cung ứng liên tục, nhưng thực tế có địa phương chỉ cung ứng điện 1 buổi/ngày, không đảm bảo thời gian để sản xuất nấu luyện một mẻ hợp kim (từ 4-6 tiếng tùy công nghệ), khiến doanh nghiệp phải đóng lò, ngừng sản xuất để tránh thiệt hại”, VAA nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét