Bên cạnh mô hình kinh doanh độc đáo và lợi thế cạnh tranh, các start-up công nghệ cần tiếp tục tạo ra nhiều thương vụ gọi vốn đầu tư kỷ lục để thúc đẩy quá trình trở thành kỳ lân.
Xây dựng thế hệ kỳ lân khởi nghiệp tiếp theo
Gần đây, việc Việt Nam có nhiều động thái đặt nền móng để gây dựng các kỳ lân (start-up được định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhận được sự đồng tình của bạn bè quốc tế, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài trợ vốn. Điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là động lực tăng trưởng mới của quốc gia.
Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025 và 100 doanh nghiệp trong số đó sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2.000 tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD).
Bà Aimee Hampel - Milagrosa, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có các ưu đãi khuyến khích về chính sách và tài chính, để tạo ra và xây dựng thế hệ kỳ lân khởi nghiệp tiếp theo của Việt Nam.
Trong năm 2021, Việt Nam có 5 lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất, gồm: công nghệ tài chính (fintech, 26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục (edtech, 17,2%); công nghệ y tế (healthtech, 7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Thực tế cho thấy, dù các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm rất háo hức đầu tư, nhưng nguồn vốn vẫn là một trong những trở ngại chính trong hành trình thúc đẩy start-up đạt quy mô kỳ lân.
Cuối năm 2021, Việt Nam bổ sung 2 kỳ lân vào danh sách là MoMo và Sky Mavis, bên cạnh hai tên tuổi xuất hiện trước đó là VNG (năm 2014) và VNLife (năm 2019). Đặc biệt, các tên tuổi được nhận định là “cận” kỳ lân và các start-up triển vọng tạo ra mô hình kinh doanh độc đáo hoặc lợi thế cạnh tranh có thể tiến xa, như: Tiki, Trusting Social; Kyber Network Amanotes; KiotViet; Giao hàng tiết kiệm; Giao hàng nhanh… đã “lộ diện”.
Tạo lực hút dòng vốn lớn
Việt Nam ngày càng khẳng định là thị trường đầu tư rất tiềm năng khi thiết lập dòng vốn đầu tư vào start-up. Trong năm 2021, Việt Nam đã nhận hơn 1,4 tỷ USD tiền đầu tư cho 165 start-up, gấp 3,2 lần so với 2020. Số lượng start-up được đầu tư trong năm 2021 cũng tăng 60% với với năm 2020. Nổi bật trong đó là ngành game với tăng trưởng lên tới 2.813%. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về đầu tư, khi chiếm tới 19% thị trường về số lượng đầu tư và 13% về số tiền.
Những con số trên khiến cộng đồng khởi nghiệp lạc quan. Giới đầu tư cũng kỳ vọng, kết thúc năm 2022, tổng vốn đầu tư vào start-up Việt có thể đạt hơn 2 tỷ USD.
Nửa đầu năm 2022, đã xuất hiện một số thương vụ gọi vốn đầu tư nổi bật, như Finhay công bố huy động thành công 25 triệu USD, OnePoint gọi vốn 50 triệu USD... Dù vậy, dòng vốn đầu tư mạo hiểm được dự báo không dồi dào như năm 2021, khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm con đường khác để huy động vốn. Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, nhà đầu tư tại Mỹ sẽ hạn chế giải ngân, đổi sang trạng thái “phòng thủ”, tập trung hỗ trợ công ty trong danh mục thay vì tìm kiếm thương vụ mới.
Tương tự, bà Maggie Võ, Giám đốc điều hành Quỹ Fuel VC tại Miami (Florida, Mỹ) cho rằng, vẫn có rất nhiều vấn đề cố hữu cản trở việc gia nhập của các quỹ đầu tư quốc tế.
Bà Maggie Võ chỉ ra, Việt Nam đang thiếu những vòng đầu tư có trị giá trên 100 triệu USD. Các start-up ở Việt Nam cần cho nhà đầu tư thấy có thể tạo ra nhiều thương vụ gọi vốn trên 100 triệu USD, bởi tính theo 10% sở hữu, thì start-up đó mới có cơ hội trở thành kỳ lân.
Bên cạnh đó, những nhà sáng lập trẻ tại Việt Nam dù hiểu về công nghệ rất tốt, nhưng lại thiếu kiến thức trong gây quỹ, văn hóa doanh nghiệp và luật pháp. Chính điều đó đã gây cản trở trong việc mở rộng thị trường, đáp ứng được chuẩn quốc tế, cũng như cạnh tranh với start-up từ các nước khác.
Ngoài ra, quy trình pháp lý liên quan đến khởi nghiệp còn chưa hoàn thiện cũng tạo ra rào cản lớn cho các start-up và quỹ gia nhập thị trường, từ đây dẫn tới thiếu nhà đầu tư lớn - start-up gọi vốn ít khiến công ty không hấp dẫn và vòng tròn này cứ lặp đi, lặp lại. Nếu điều này được khắc phục, Việt Nam sẽ thực sự trở thành mảnh đất hấp dẫn đầu tư khởi nghiệp và nuôi dưỡng kỳ lân.
Thay đổi toàn bộ ngành, tạo ra dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu mới hay còn bỏ ngỏ và thay đổi toàn bộ cách mọi thứ đang hoạt động
Lấy công nghệ làm trung tâm, trên 80% sản phẩm của start-up thuộc lĩnh vực phần mềm
Tập trung giải quyết nhu cầu của khách hàng cá nhân; ưu tiên tìm ra cách giải quyết đơn giản và hiệu quả nhất cho những nhu cầu của người dùng
Xuất phát từ công ty tư nhân với đa phần thuộc sở hữu cá nhân và tăng giá trị bằng cách để công ty lớn thâu tóm hay đầu tư vào
Duy trì vị thế dẫn đầu: không chỉ là người khai phá dịch vụ, nhu cầu mới, mà còn thường xuyên cải tiến và định vị lại thị trường để luôn ở vị trí tiên phong.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét