Nhà nước đang góp 8.407 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%, nhưng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chưa kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN, hiện KTNN mới chỉ thực hiện kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với doanh nghiệp mà Nhà nước là cổ đông thiểu số.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN. |
Thưa bà, vì sao mãi tới năm 2017, KTNN mới thực hiện kiểm toán đối với doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước?
Trước đây, KTNN không có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm toán đối với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ. Phải đến ngày 1/1/2016, khi Luật KTNN sửa đổi có hiệu lực mới mở rộng đối tượng kiểm toán, nhưng đối với doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước, khi cần thiết, Tổng KTNN mới quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán.
Do đây là lĩnh vực rất mới, KTNN chưa có nhiều kinh nghiệm, cộng với hàng năm phải thực hiện hàng loạt cuộc kiểm toán tài chính công, tài sản công, kiểm toán ngân sách nhà nước, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công trình, dự án, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nên không có đủ nhân lực để tập trung vào kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước. Vì vậy, tính đến nay mới thực hiện được 4 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết được thực hiện lồng ghép khi kiểm toán báo cáo tài chính công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Kết quả thế nào, thưa bà?
Qua kiểm toán, chúng tôi đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 81.677 triệu đồng, chủ yếu là các khoản thu do sai sót trong kê khai, xác định thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... do doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của các luật thuế cũng như quy định khác có liên quan.
Kiến nghị xử lý tài chính có vẻ khá “khiêm tốn” so với các cuộc kiểm toán khác?
Đó là vì chúng tôi chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kiểm toán việc tuân thủ pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước; kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Ngoài ra là kiểm toán việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chứ không thực hiện báo cáo tài chính như kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước, vì vậy kiến nghị xử lý tài chính rất ít.
Thực hiện các nội dung kiểm toán kể trên, KTNN đã chỉ ra không ít vi phạm tại doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước như việc chỉ đạo đầu tư chưa hiệu quả, một số khoản đầu tư mới như kinh doanh chứng khoán ngắn hạn giảm hiệu quả so với năm trước, phải trích lập dự phòng đầu tư lớn; các khoản đầu tư nhiều năm, kéo dài, không hiệu quả, khả năng thu hồi hạn chế, hầu hết chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Chúng tôi cũng đã phát hiện ra công tác chỉ đạo tài chính kế toán chưa triệt để và sát sao, dẫn đến còn một số tồn tại, sai sót trong hạch toán kế toán doanh thu, chi phí và các quỹ chưa chính xác. Ngoài ra, báo cáo tình hình kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa đề cập đầy đủ đến kết quả lỗ do kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, xử lý các khoản đầu tư tồn đọng...
Người đại diện vốn nhà nước có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc bảo toàn và phát triền vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Qua kiểm toán có phát hiện vi phạm đối với người đại diện vốn nhà nước?
Chúng tôi đã phát hiện ra một số tổng công ty chưa cử người đại diện phần vốn góp nhà nước tại công ty con và công ty liên kết; chưa xây dựng và ban hành các quy trình quản lý phục vụ giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định... Thậm chí, có tổng công ty còn chưa ban hành quy chế quản lý người đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhận đầu tư; chưa thực hiện đánh giá người đại diện vốn theo quy định.
Chính vì vậy, không ít người đại diện không báo cáo chủ sở hữu về hiệu quả đầu tư vốn vào công ty con, không hoặc chưa báo cáo đầy đủ, kịp thời đối với một số công ty con, công ty liên kết bị lỗ; chưa thực hiện đúng trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp nộp lợi nhuận, cổ tức được chia về tổng công ty kịp thời.
Do số lượng cuộc kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước quá ít, nên thực ra, những phát hiện tồn tại trong việc thực hiện nghĩa vụ của người đại diện vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu nêu trên còn khá mờ nhạt, đặc biệt là chưa đưa ra việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Muốn biết được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, công nợ, tài chính... thì phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. Thưa bà, để có bức tranh tổng thể về doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước thì cần phải kiểm toán báo cáo tài chính?
Cũng có nhiều chuyên gia kiến nghị KTNN cần phải kiểm toán báo cáo tài chính với đối tượng này, bởi chỉ có kiểm toán báo cáo tài chính mới biết thực sự doanh nghiệp hoạt động ra sao. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa thực hiện được vì theo quy định hiện hành, đối với doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước, khi cần thiết, Tổng KTNN mới quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán.
Do là cổ đông thiểu số nên KTNN chỉ có thể thực hiện kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, không có quyền xác nhận báo cáo tài chính đầy đủ của doanh nghiệp. Nói chung, hiện tại, KTNN mới chỉ tập trung kiểm toán, đánh giá những chỉ tiêu, thông tin tài chính liên quan đến phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước.
Thậm chí, ngay cả việc thực hiện các nội dung kiểm toán kể trên cũng không hề đơn giản, bởi hầu hết doanh nghiệp mà Nhà nước là cổ đông thiểu số, lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng, với tỷ trọng dưới 50% vốn, quyền quản lý trọng yếu đối với doanh nghiệp không thuộc về Nhà nước, nên thiếu thái độ hợp tác, phối hợp, cung cấp thông tin khi KTNN thực hiện kiểm toán.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét