Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư các ngành công nghệ cao tại Việt Nam
Trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với nhiều ngành thâm dụng lao động, tuy nhiên, thời gian tới sẽ có sự thay đổi với nhiều ngành công nghệ cao ít thâm dụng lao động.
Ngày 22/7, tại TP.HCM, Hiệp hội Liên lạc người Việt Nam tại nước ngoài (ALOV), Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VISTART), Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn - Việt đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) cho biết, trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, từ kim ngạch giao thương 500 triệu USD vào năm 1992, đến năm 2021 con số này đã tăng lên 78 tỷ USD. Hai bên đang hướng đến tăng trưởng xuất nhập khẩu song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các địa phương phía Nam về các chính sách thu hút đầu tư. Ảnh: Anh Quân |
Về phía doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kwon Seung Taek, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Kinh tế Hàn - Việt (KOVECA) đánh giá, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn. Còn Việt Nam Nam có nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ. Trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với nhiều ngành thâm dụng lao động, tuy nhiên, thời gian tới sẽ có sự thay đổi với nhiều ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao.
“Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, có dân số trẻ nên được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Kwon Seung Taek đánh giá.
Mặc dù đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh hệ thống văn bản pháp luật đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam thay đổi liên tục khiến không ít nhà đầu tư gặp vướng mắc. Do đó, nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn Việt Nam cần có sự thống nhất và minh bạch hơn trong hệ thống quy định chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư.
Đại diện của một doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm hiểu để đầu tư vào lĩnh vực môi trường ở Việt Nam cho biết, đầu tư vào lĩnh vực môi trường như dự án xử lý rác phải mất 20-30 năm để thu hồi vốn. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. “Nếu các chính sách minh bạch và cách Chỉnh phủ hỗ trợ tương tự như Hàn Quốc đang làm thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đầu tư” vị này nói.
Các địa phương ký kết biên bản ghi nhớ với các hiệp hội để xúc tiến đầu tư vào các tỉnh phía Nam. Ảnh: Anh Quân |
Trước lo ngại về thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc, lãnh đạo các địa phương gồm Long An, Đồng Nai, Khánh Hòa cho biết, địa phương sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, tỉnh Đồng Nai thu hút được hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD, trong đó riêng các nhà đầu tư Hàn Quốc có 426 dự án với số vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD. Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai tiếp tục quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 8.000 ha. Khác với trước đây, những năm tới Đồng Nai sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.
Sau khi trao đổi, tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài; Hiệp hội Văn hoá Kinh tế Hàn - Việt; UBND tỉnh Khánh Hòa; UBND tỉnh Đồng Nai; UBND tỉnh Long An đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào Việt Nam. Các bên cam kết xây dựng chương trình hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vào tìm hiểu đầu tư tại địa phương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét