Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

Oằn lưng trong “cơn bão” giá - Bài 1: Nồi cơm vơi, giọt mồ hôi rơi dày

Oằn lưng trong “cơn bão” giá - Bài 1: Nồi cơm vơi, giọt mồ hôi rơi dày

Chúng tôi lặng đi khi chứng kiến bữa cơm của gia đình anh công nhân Nguyễn Văn Vàng, khi trên mâm chỉ là đĩa rau, vài con cá nhỏ xíu nhường cho 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Sau trận cuồng phong Covid-19, người dân, doanh nghiệp lại hứng tiếp cơn bão giá. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, căng thẳng địa chính trị, giá xăng dầu tăng vùn vụt, lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nền kinh tế lớn… đã kéo các loại hàng hóa leo thang. Cơn bão giá đánh trực tiếp vào bữa cơm của từng gia đình, vào sự sống còn của từng doanh nghiệp.

Bài 1: Nồi cơm vơi, giọt mồ hôi rơi dày

Chúng tôi lặng đi khi chứng kiến bữa cơm của gia đình anh công nhân Nguyễn Văn Vàng, khi trên mâm chỉ là đĩa rau, vài con cá nhỏ xíu nhường cho 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Công nhân than thở

“Nếu trong thời gian tới, giá cả không giảm và còn phải lo các khoản học phí trong năm học mới cho con thì vợ chồng tôi khó trụ lại TP.HCM. Có thể tôi sẽ chạy Grab ban đêm để kiếm thêm, hoặc đường cùng thì về quê sống”, anh Nguyễn Văn Vàng, công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiệu Trinh (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa lúi húi bê nồi cơm ra, vừa thở dài nói.

Món ăn chính của gia đình anh Vàng chỉ là đĩa rau xào, thêm mấy con cá kho mặn, vợ anh canh lúc chợ chiều để mua cho rẻ. Đồng lương công nhân của cả 2 vợ chồng chỉ hơn 15 triệu đồng/tháng, trong khi giá mớ rau, con cá ở chợ cóc tăng vọt lên 30-40%. Những khoản chi tiêu cố định như tiền nhà trọ, điện, nước không thể cắt giảm, chỉ còn cách cắt giảm chất lượng bữa ăn để co kéo gắng tồn tại trong khoản thu nhập đó.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lợi trước đây bán khoảng 300 - 400 tờ vé số/ngày, thì nay giảm mất gần một nửa
Chị Nguyễn Thị Tuyết Lợi trước đây bán khoảng 300 - 400 tờ vé số/ngày, thì nay giảm mất gần một nửa

Ngay cả với công nhân của doanh nghiệp nước ngoài, thu nhập cao hơn doanh nghiệp trong nước, cũng phải “thắt lưng, buộc bụng” hết mức. Anh Hoàng Văn Trai là công nhân Công ty Roeders Việt Nam (thuộc Tập đoàn Roeders GmbH, Đức), có thu nhập 10-11 triệu đồng/tháng, cũng than thở: “Trước đây, gia đình tôi chỉ tốn khoảng 100.000 đồng cho bữa cơm của 4 người, thì hiện đã phải chi lên 150.000 đồng rồi. Từng lạng thịt, con cá, mớ rau đều tăng vọt”.

Những khoản chi tiêu cố định như tiền nhà trọ, điện, nước không thể cắt giảm, người lao động chỉ còn cách cắt giảm chất lượng bữa ăn để co kéo gắng tồn tại trong cơn bão giá. 

Gia đình anh Trai phải cắt giảm mọi nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như hạn chế sử dụng điện, nước và giờ xem… ti vi của con cái để giảm được đồng nào hay đồng đó.

Chị Lê Thị Kim Cương, công nhân Công ty TNHH Chang Yang Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình) cho hay: “Trước đây, khi giá xăng chưa tăng, mỗi tháng nhà tôi dành gần 3 triệu đồng mua sữa bột cho con gái (2 tuổi). Giờ phải thay thế từ sữa bột sang sữa bịch để giảm tiền, chỉ lo cháu không đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng vì sữa bịch hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn sữa bột nhiều”.

Với gia đình 5 người cùng ở một nơi, cùng làm một chỗ của nữ công nhân Nguyễn Thị Vặn thì “đau đầu” bởi chi phí xăng xe do nơi ở (quận Bình Tân) và nơi làm (quận 7) khá xa. Trước đây, 5 người đi chung 3 xe máy để đi làm. Nay phải tiết kiệm bằng cách thu xếp 2 thành viên ở lại nơi làm việc, tức cắt giảm xăng 1 xe máy. Còn lại 3 người thì bắt buộc phải chạy xe đi làm, cứ 2 ngày lại phải tốn hơn 100.000 đồng tiền xăng cho 1 xe. Tính ra mỗi tháng, riêng tiền xăng cũng “đốt” gần 3 triệu đồng. “Số tiền đó rất lớn đối với thu nhập công nhân nghèo như tụi tôi, nên gia đình không có dư để ăn uống cho đàng hoàng”, chị Vặn nói.

Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh công nhân Nguyễn Văn Vàng (quận Bình Tân, TP.HCM)
Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh công nhân Nguyễn Văn Vàng (quận Bình Tân, TP.HCM)

Công chức cũng… nhăn nhó

So với công nhân, thì tầng lớp công chức, viên chức vốn được xem là tầng lớp “trên” khi có thu nhập ổn định, thậm chí có nhà cửa ở TP.HCM. Nhưng sự “ổn định” này liệu đã là đủ để họ trang trải các chi phí đắt đỏ của cuộc sống hiện nay?

Chị Phạm Thị Oanh là viên chức nhà nước, có căn hộ ngay quận 3 nên không tốn tiền thuê nhà, không phải đi xa, nhưng với giá cả tăng phi mã, chị cũng phải thay đổi cách chi tiêu. “Tôi mới được lên lương tháng này, cũng thêm được khoảng hơn 200.000 đồng, không thể chạy theo sự gia tăng của giá cả được”, chị Oanh nói.

Nếu như trước kia, hai vợ chồng chị thỉnh thoảng đặt đồ ăn ngoài về, nhưng giờ tuyệt đối không để tiết kiệm. Không những thế, sáng sớm, chị tranh thủ đi chợ mua đồ về nấu nướng để mang cơm đi ăn trưa nhằm giảm chi phí. Vậy mà chi tiền ăn của gia đình 3 người cũng lên tới 9-10 triệu đồng/tháng, gấp rưỡi so với trước khi giá xăng tăng.

“Sau hai năm dịch bệnh, nhà tôi chẳng đi du lịch đâu. Giờ mọi thứ trở lại bình thường, hè này, tôi cũng muốn cho con đi du lịch chút mà giá cả leo thang, vậy là phải tính toán lại. Có tháng nhà tôi âm tiền, phải lấy tiền tiết kiệm để bù vào rồi”, chị Oanh tâm sự.

Tương tự, chị Lê Thị Hải, một công chức có thâm niên 19 năm, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Chị đang phải thuê trọ hơn 2 triệu đồng/tháng tận quận 12, cách cơ quan tới 16 km. Dù đã quen với việc phải đi làm xa, nhưng chị Hải rất sốc khi tiền xăng xe máy lên tới 700.000 đồng/tháng. Điều khó hiểu hơn nữa là dù giá xăng đã giảm, nhưng mọi thứ giá cả vẫn không hạ, đi chợ cứ như bị mất cắp. Tiền ăn của gia đình chị từ 5 triệu đồng/tháng, thì nay tăng lên hơn 7 triệu đồng, chưa kể tiền học cho con cái, tiền điện, tiền nước và “ti tỉ” các khoản khác.

“Từ trước đến nay, gia đình tôi cũng chỉ chi những khoản cần chi. Giờ giá lên thì cũng không thể cắt chi tiêu những nhu cầu cơ bản nhất, nên nếu có khoản nào phát sinh thêm thì phải xoay xở vay mượn hoặc có thể tính việc làm thêm thôi, chứ không còn khoản dư nào khác cả”, chị Hải chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Hoàng Khôi, nhân viên văn phòng, thì quyết định bỏ qua sĩ diện, tranh thủ tối chạy xe ôm công nghệ (Hãng Be) kiếm thêm được khoảng 100.000 -  200.000 đồng/buổi để trang trải cho gia đình.

Thực tế trên cho thấy, lương “ổn định” đồng nghĩa với một mức sống “bình bình, thường thường” và khó để đối phó được với sự “bất thường” của cuộc sống, từ đại dịch cho đến cơn bão giá nối đuôi nhau như hiện nay.

Người lao động tự do kiệt quệ

Trên chuyến xe ôm giữa giờ cao điểm, khi trò chuyện về giá cả hiện nay, anh Nguyễn Thế Hùng, tài xế xe ôm công nghệ (Hãng Gojek) cho biết, sau khi trừ tất cả chi phí, thu nhập của anh dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/ngày, tức mỗi tháng khoảng 9 - 12 triệu đồng. Cả nhà 4 miệng ăn trông cậy vào đồng thu nhập đó.

Trước khi vật giá leo thang, chỉ riêng tiền ăn, cả nhà tốn 3 - 4 triệu đồng/tháng, giờ đã tăng vọt lên khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, chưa nói tiền điện, nước… “Giờ chẳng may mà đổ bệnh thì chỉ còn cách đi vay mượn lo thuốc men thôi”, anh Hùng nói.

Với giới xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống, shipper, ngoài gánh nặng cơm áo, thì lo lắng không kém là chi phí bảo dưỡng sửa xe - chiếc cần câu cơm, cũng tăng vọt lên trong cơn bão giá.

“Chạy xe ôm thì phải bảo dưỡng xe thường xuyên, nếu không xe sẽ rất nhanh hỏng. Dạo này giá sửa xe, thay nhớt linh tinh cũng lên cao lắm, thành ra chạy xe ôm như tôi bị thâm hụt thu nhập. Trước tôi chỉ chạy khoảng 13  tiếng/ngày, nay phải chạy nhiều hơn, tới 15 tiếng/ngày mới được 300.000 - 400.000 đồng, vậy mà chưa gánh nổi mấy miệng ăn ở nhà. Tôi cũng có tuổi rồi, thỉnh thoảng đau ốm vặt không chạy xe được thì còn không đủ ăn”, ông Nguyễn Văn Thăng, 64 tuổi, tài xế xe ôm truyền thống tại TP.HCM tâm sự.

Giá cả tăng vọt, người dân giảm mua hàng không thiết yếu, khiến người bán vé số cũng lao đao. Ngồi bệt xuống gốc cây sau khi đi đến rạc chân nửa con phố mời khách mua vé số, chị Nguyễn Thị Tuyết Lợi (46 tuổi, trú tại quận 10, TP.HCM) ngao ngán cho hay, hai vợ chồng chị đều đi bán vé số. Trước đây, mỗi người bán được khoảng 300 - 400 tờ vé số/ngày, nay giảm mất gần một nửa, nên thu nhập hai vợ chồng từ hơn 10 triệu đồng/tháng đã giảm chỉ còn 7- 8 triệu đồng/tháng.

 “Tiền sinh hoạt của cả nhà ở thành phố đã nhiều, tiền gửi về cho ông bà ở quê cũng phải tăng lên vì ngay cả ở quê cũng tăng giá. Thôi thì giờ mình cũng đành chịu, đành chi tiêu, mua sắm ít lại chứ biết sao được”, chị Lợi thở dài.

Cả ba đối tượng công nhân, viên chức và người lao động tự do đều phải oằn lưng trong cơn  bão giá. Khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng thì không có chuyện hạ, cho dù giá xăng đã giảm. Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý phải có biện pháp phù hợp trong điều hành giá cả.

(Còn tiếp)

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét