Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Ngành dệt may: Sau đứt gãy sản xuất là mất khách hàng

Hoạt động sản xuất dệt may trong tháng 8/2021 tại khu vực phía Nam hiện đã bị đứt gãy 90%. Rủi ro từ giao hàng chậm, mất khách hàng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành trong năm 2022.

Ngành dệt may lo đứt gãy chuỗi sản xuất trong bối cảnh giãn cách xã hội.  Trong ảnh: Nhà máy may Việt Tiến. Ảnh: Lê Toàn

Sản xuất tháng 8 rất căng

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã chia sẻ những thách thức của chuỗi sản xuất dệt may trong nước, khi nhiều doanh nghiệp đóng tại các trung tâm sản xuất dệt may lớn ở phía Nam, vốn chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phải tạm dừng sản xuất.

Sau một thời gian sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp dệt may đã không thể trụ nổi. Chi phí duy trì sản xuất tăng quá cao, trong khi năng suất thấp, áp lực lo ăn, ở, quản lý người lao động khiến nhà máy buộc phải dừng sản xuất.

“Có những doanh nghiệp sở hữu 19 nhà máy đã phải chấp nhận dừng toàn bộ vì không thể tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Chỉ những doanh nghiệp trong ngành sợi, dệt nhuộm với đặc thù ít lao động, máy móc hỗ trợ nhiều mới có thể duy trì “3 tại chỗ” hiệu quả, còn ngành may đông lao động, có nhà máy vài chục ngàn công nhân, áp dụng phương án sản xuất này thì không khả thi”, ông Giang cho biết.

Đứt gãy nguồn cung của các tỉnh phía Nam lúc này đang là thách thức cực kỳ lớn với toàn ngành dệt may, trước hết là áp lực giao hàng cho các nhãn hàng.

Theo ông Giang, dệt may là ngành thời trang, nếu không giao hàng đúng vụ, thiết kế đó sẽ không còn giá trị về mẫu mốt nữa. Trong khi sức mua hàng thời trang toàn cầu của các nước lớn như Mỹ, EU đang tăng 16-17% so với cùng kỳ, có những mặt hàng tăng 30%, nhưng doanh nghiệp không giao hàng kịp thì rủi ro không thể đong đếm nổi, khi vừa bị phạt theo cam kết trong hợp đồng, vừa mất uy tín với đối tác.

“Với tình hình hiện nay, việc duy trì sản xuất trong tháng 8 là cực khó với ngành dệt may, do hiện tại, TP.HCM và 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg để kiểm soát dịch bệnh, coi như hoạt động sản xuất trong tháng 8 đứt gãy 90%, việc giao hàng chắc chắn bị ảnh hưởng”, đại diện Vitas thông tin.

Đáng chú ý, từ chỗ chiếm 30 - 40% thị phần xuất khẩu cho các hãng Nike, Adidas..., nhiều doanh nghiệp dệt may đang khó giữ được thị phần

Bộ Công thương cũng cho biết, hệ lụy của nhiều nhà máy tại 19 tỉnh, thành phố phải dừng sản xuất đã tác động ngay đến Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2021. Giảm mạnh nhất là TP.HCM (giảm 19,4%), tiếp đến là Long An (giảm 14,6%), Cà Mau (giảm 13,7%)…

Trong khi nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam không thể sáng đèn, thì tại miền Bắc, một số nhà máy tại Bắc Giang, Bắc Ninh đã hoạt động trở lại sau đợt dịch bùng phát hồi cuối tháng 4, nhưng lao động lấp đầy cao nhất tại doanh nghiệp chỉ đạt 80%. Áp lực thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng rất căng, dù đơn hàng xuất khẩu đã ký và ngày giao hàng đã xác định.

Ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty May Đáp Cầu cho biết, sau một thời gian tạm dừng sản xuất chống dịch, 3 nhà máy của Đáp Cầu đã quay trở lại sản xuất từ cuối tháng 6, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, thiếu hụt lao động, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tăng cao do phải bỏ tiền xét nghiệm định kỳ PCR cho người lao động, rồi chi phí vận chuyển, container tăng phi mã, khiến doanh nghiệp khó lòng mơ tới lợi nhuận.

Xuất khẩu cả năm dự báo đạt 32 - 33 tỷ USD

6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu gần 19 tỷ USD, trong khi mục tiêu toàn ngành đề ra hồi đầu năm ở kịch bản cao là 39-39,5 tỷ USD cho cả năm nay. Ông Vũ Đức Giang cho biết, nếu dịch vẫn chưa thể kiểm soát được, thì khả năng xuất khẩu toàn ngành trong năm 2021 chỉ có thể đạt 32,5 - 33 tỷ USD. 

Vấn đề lớn hơn không chỉ nằm ở con số xuất khẩu bao nhiêu, mà hệ lụy là khi nguồn cung bị đứt gãy, Việt Nam không còn là thị trường ổn định thì khách hàng tạo áp lực để chuyển đơn hàng đi, sẽ ảnh hưởng đến phát triển ngành trong trung hạn.

Một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp là hiện tại khá nhiều người lao động đã ồ ạt quay về địa phương, khả năng họ trở lại các nhà máy không cao.

Vitas nhận định, khi dịch được kiểm soát ổn định, các tỉnh, thành phố mở cửa trở lại, thì lao động quay về chỉ đạt khoảng 60-65%. Lực lượng lao động thiếu hụt sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động.

Ngành dệt may mang về doanh thu xuất khẩu gần 40 tỷ USD năm 2019. Trong lúc này, vắc-xin chính là vũ khí tối ưu để các doanh nghiệp bảo toàn lực lượng lao động, sớm đưa nhà máy đi vào sản xuất ổn định.

Mới đây, 4 hiệp hội gồm: Dệt may, Da giày và Túi xách, Doanh nghiệp Điện tử, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã tìm được nguồn vắc-xin, họ mong muốn Chính phủ hỗ trợ thủ tục nhập khẩu để sớm tiêm cho người lao động. Kể cả Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vắc-xin cho Việt Nam để bảo toàn chuỗi cung ứng trong 2 ngành công nghiệp dệt may và giày dép, vì họ sợ đợt dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam ảnh hưởng đến nguồn cung ứng hàng thời trang cho thị trường Mỹ.

Song, Chủ tịch Vitas cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin trong ngành dệt may rất thấp, trừ khu vực TP.HCM có một số doanh nghiệp thông báo đã được tiêm vắc-xin, 18 tỉnh còn lại, công nhân hầu như chưa được tiêm.

Dệt may, giày dép, thủy sản… là những ngành đóng góp lớn cho xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hơn chục triệu lao động. Vì thế, Chính phủ cần đánh giá thực trạng các ngành công nghiệp, có chính sách phân bổ vắc-xin, ưu tiên cho những ngành có đóng góp lớn để sớm khôi phục sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét