Doanh nghiệp đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ vượt thẩm quyền
Hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất được các hiệp hội đề xuất. Nhiều đề xuất vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Chi phí tăng cao, mất lao động, mất khách hàng... là những vấn đề lớn với doanh nghiệp hiện nay. |
Đề nghị kéo dài thời gian làm thêm giờ
“Đề nghị cho doanh nghiệp bố trí thời gian làm thêm của người lao động hơn 40 giờ/tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng”.
Đây là kiến nghị mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất được tập hợp từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp.
Nhưng việc này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Theo quy định của Bộ luật Lao động vừa có hiệu lực ngày 1/1/2021, thời gian làm thêm của người lao động được quy định là 40 giờ/tháng.
Vấn đề là các quyết định phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch bệnh ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, đã khiến nhiều doanh nghiệp đình trệ hoạt động. Ngay cả phương án “3 tại chỗ” từng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tăng tối đa thời gian sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài cũng đang bộc lộ nhiều bất cập.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50% trong tổng số lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 - 40%.
Cùng với đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
“Việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn, chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp lớn hơn duy trì tối đa 4-5 tuần”, VASEP báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tình trạng tương tự đang diễn ra trong nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử... ở Bình Dương và nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình xin ý kiến Quốc hội để ban hành cơ chế cho phép doanh nghiệp sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ trong 1 tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng.
Các doanh nghiệp mong muốn, đề xuất này cần được xử lý gấp để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay khi dịch được kiểm soát.
Giảm mức đóng phí công đoàn
Trong công văn dài 5 trang, với nhiều vấn đề đang xảy ra trong 270 doanh nghiệp hội viên mà Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được gửi gắm.
Có thể nhắc đến đề nghị giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, tăng mức hỗ trợ từ nguồn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đề nghị bảo hiểm xã hội chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế...
Việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, ngừng việc... do ảnh hưởng của đại dịch cũng được đề nghị đẩy nhanh tiến độ.
Hiện tại, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đang có những quy định gây khó, khiến hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp cận chính sách. Cụ thể, điểm b, khoản 2, Điều 38, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg yêu cầu doanh nghiệp “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”.
Vấn đề là, theo pháp luật về thuế thì doanh nghiệp có thể thực hiện quyết toán thuế với chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 tới nay khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn về tài chính, nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý.
Đặc biệt, VASEP tiếp tục đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp. Năm ngoái, trong nhiều đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, VASEP đã nhắc đến đề nghị này.
Theo VASEP, đây là những hỗ trợ quý báu để doanh nghiệp có thêm điểm tựa trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Nhưng, mức 2% kinh phí công đoàn mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải đóng đang được quy định tại Luật Công đoàn hiện hành. Theo trình tự bình thường, các đề xuất của doanh nghiệp nếu được chấp thuận, Chính phủ sẽ phải chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội xin ý kiến trong các kỳ họp tới đây.
Các doanh nghiệp đang trong lúc vô cùng khó khăn, cần quyết sách nhanh và mạnh hơn.
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Bình Dương, các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực tổ chức 3 tại chỗ theo đề nghị của chính quyền, chấp nhận chịu chi phí rất cao để tổ chức ăn ở, xét nghiệm và bảo đảm công việc, thu nhập cho người lao động… dù các nhà máy không được thiết kế để làm 3 tại chỗ.
Nhưng chi phí tăng rất cao, mất lao động, mất khách hàng, phải đóng cửa nhà máy, xử lý nợ ra sao… đều là những vấn đề lớn với doanh nghiệp hiện nay. Người lao động thì lo lắng và thậm chí hoảng sợ về nguy cơ bị nhiễm dịch.
Nhưng hiện tại, đang có cụm từ “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn…” xuất hiện ở văn bản của nhiều cấp chính quyền khác nhau. Nếu vậy, thì thà chúng ta xác định là ngừng sản xuất luôn để doanh nghiệp dễ tính.
Trước mắt, nếu muốn giữ sản xuất, dù ở mức tối thiểu, thì nên có khẳng định từ cấp cao nhất là người lao động trong các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin sớm nhất để ổn định tâm lý.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thời gian trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là trước ngày 10/8/2021, để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét