Xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su tiếp tục ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch. Các doanh nghiệp đều tăng mạnh doanh thu nhờ xu hướng tăng giá.
Các doanh nghiệp đều tăng mạnh doanh thu nhưng còn nhiều việc cần làm để đi đường dài và phát triển bền vững. |
Tín hiệu mừng từ xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố mới đây, xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su đã mang về lần lượt 1,2 tỷ USD và 644 triệu USD cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Kết quả trên tăng tới 83,6% và 66,8% so với cùng kỳ. Mặt bằng giá xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, với giá bình quân quý II đạt 1.718 USD/tấn, so với mức 1.660 USD/tấn trong quý I/2021.
Hưởng lợi từ giá bán tăng, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cao su đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp năm 2020. Tập đoàn Công nghiệp Cao su ước tính thu về 10.193 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắc Lắk đạt 243 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận cải thiện mạnh. Công ty lãi ròng gần 50 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắc Lắk cho biết, sản lượng xuất bán của Công ty tăng 26,13%, nhưng giá trị xuất khẩu tăng đến 86,55% nhờ diễn biến thuận lợi của giá hàng hóa này.
Nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng khi thị trường xuất khẩu thuận lợi, như Cao su Đồng Phú (tăng 126%), Cao su Tây Ninh (tăng 53%) hay Cao su Phước Hòa (tăng 48%)… Tính riêng 6 doanh nghiệp cao su đang giao dịch trên sàn chứng khoán, tổng doanh thu đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đều tăng mạnh so với cùng kỳ, trừ Cao su Phước Hòa giảm do giảm tỷ suất lợi nhuận mảng cho thuê đất khu công nghiệp.
Không riêng ngành cao su, nhóm doanh nghiệp săm lốp cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về doanh thu. Cao su Đà Nẵng đã xác lập kỷ lục doanh thu mới trong quý II/2021, khi lần đầu vượt mốc 1.200 tỷ đồng và tăng 53% so với cùng kỳ. Cùng với sự cải thiện về tỷ suất lợi nhuận, doanh nghiệp săm lốp này lãi ròng 170 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh của Casumina cũng tăng 13% cả về doanh thu và lợi nhuận. Riêng Cao su Sao Vàng, dù doanh thu tăng 24%, nhưng lợi nhuận vẫn giảm nhẹ do gia tăng chi phí bán hàng, nhất là các khoản chi phí logistics.
Hướng tới phát triển bền vững
Báo cáo tài chính quý II của cả 3 doanh nghiệp săm lốp của Việt Nam đều cho thấy động thái gia tăng tích trữ hàng tồn kho, đặc biệt là nguyên vật liệu và thành phẩm. Giá bán cao su đã tăng mạnh kể từ quý III/2020 do nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc nhằm phục vụ ngành công nghiệp ô tô trên đà hồi phục và cả mục đích tích trữ.
Bên cạnh thuận lợi có thể có từ xu hướng tăng của giá cao su, thì cũng có không ít thách thức với ngành này trong năm 2021, như tình hình xuất khẩu bị hạn chế trong bối cảnh thiếu container để vận chuyển, khả năng xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc có thể bị chậm lại sau giai đoạn mua mạnh để tích trữ trong quý cuối năm 2020, hay khó khăn của ngành ô tô - một trong những lĩnh vực sử dụng cao su nhiều nhất.
Kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên trong nước đang hướng đến việc mở rộng thêm các lĩnh vực ngoài mảng kinh doanh chính là cao su. Chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là không mở rộng diện tích, mà tập trung thâm canh, cải thiện năng suất và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng cao su. Kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên tăng nhanh và cán mốc 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh chế biến để thu về giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su cũng chủ trương chuyển một số diện tích đất sang trồng các loại cây ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; liên kết trồng chuối có sự đảm bảo tiêu thụ và lợi nhuận cam kết của nhà đầu tư và chuyển đổi công năng đất trồng cây cao su ở những khu vực có tỷ lệ phát triển đô thị và công nghiệp hóa cao sang hoạt động kinh doanh cho thuê hạ tầng khu công nghiệp…
Một số công ty ghi nhận các nguồn thu khá đều đặn từ bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, Cao su Phước Hòa có thể nhận 691 tỷ đồng bồi thường từ VSIP III trong năm nay, sau khi ghi nhận khoản tiền bồi thường khủng (860 tỷ đồng) trong năm 2020 từ Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II. Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắc Lắk và Cao su Thống Nhất cũng đã có thêm nguồn thu nhập từ các loại cây ăn quả như chuối, điều… Các nguồn thu này dù mới đóng góp tỷ trọng nhỏ, nhưng đang tăng trưởng tốt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét