Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Doanh nghiệp Việt và khát vọng “Go global”

Vươn ra thế giới, giải quyết những nhu cầu của nhân loại, xác lập một chỗ đứng trên bảng xếp hạng quốc tế là điều được đề cập nhiều trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Mục tiêu phấn đấu 10 năm tới của FPT là lọt Top 50 tập đoàn về chuyển đổi số trên thế giới.

Khát vọng vươn ra toàn cầu

Giữa sảnh tiếp đón toà nhà FPT vừa đi vào hoạt động tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, mô hình quả địa cầu được trang trọng đặt ở khu vực dễ nhìn nhất. Bên trên, cũng là khu vực giếng trời, mô hình chuỗi xoắn kép ADN lớn tượng trưng cho “mã gene” của FPT chạy dọc qua các tầng nhà để hướng đến quả địa cầu.

“FPT đã và đang vươn mình ra thế giới”, một nhân sự của Tập đoàn chia sẻ về ý nghĩa biểu tượng. Ngay từ khi đặt ra mục tiêu 10 năm toàn cầu hóa vào năm 2017, lãnh đạo FPT đã khẳng định mong muốn đưa trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới, đồng thời mong muốn một Việt Nam có vị trí trong nền kinh tế số toàn cầu.

Kỳ vọng trên được nhắc lại trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021, khi “vị thuyền trưởng” Trương Gia Bình nêu mục tiêu phấn đấu 10 năm tới của FPT là lọt top 50 tập đoàn về chuyển đổi số trên thế giới.

Với không ít doanh nghiệp Việt, khát vọng vươn ra toàn cầu đã trở thành một mục tiêu để hướng đến, ngay cả ở thời điểm cả thế giới vẫn đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Trong đó, khát vọng của “ông lớn” Vietcombank là ghi tên trong danh sách ngân hàng hàng đầu thế giới.

“Trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và vào top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu”, đây là các mục tiêu được đề ra trong chiến lược phát triển đến năm 2025 mà Vietcombank công tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 23/4.

“Go global” thậm chí được Masan High-Tech Materials sử dụng để làm chủ đề cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông liên tục 2 năm gần đây. Giấc mơ ra thế giới không phải là điều đột nhiên xuất hiện, mà đã đeo bám doanh nghiệp này trong thời gian dài. Hai chữ “toàn cầu” cũng là từ được nhắc đến nhiều nhất trên tiêu đề báo cáo thường niên suốt 4 năm qua.

Trong tháng 4/2021, thông tin 2 doanh nghiệp của Việt Nam gồm nhà sản xuất ô tô VinFast và hãng hàng không Bamboo Airways có khả năng đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã làm nóng nhiều diễn đàn chứng khoán. Giấc mơ đưa cổ phiếu vươn ra sàn ngoại sau một thời gian dài bị bẵng đi vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, nay lại được khơi dậy.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways, kế hoạch IPO tại Mỹ là một phần trong tiến trình mở rộng mạng lưới dịch vụ trên quy mô toàn cầu của hãng hàng không này.

Những bước đi thực tế

Không đơn thuần chỉ là những khẩu hiệu, hay việc thay đổi tên công ty từ Masan Resource sang Masan High-Tech Materials, suốt thời gian ngắn qua, đã có nhiều chuyển biến diễn ra tại doanh nghiệp sở hữu mỏ vonfram Núi Pháo. Trong hơn 2 năm, Công ty đã thực hiện hai thương vụ M&A lớn. Năm 2018, Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác trong liên doanh (Công ty Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck) để sở hữu 100% vốn nhà máy chế biến vonfram. Tiếp đó, tháng 6/2020, Công ty mua lại Công ty H.C. Starck Tungsten Powders - nền tảng kinh doanh vonfram của chính đối tác Tập đoàn H.C.Starck.

Từ một công ty khai thác khoáng sản, Masan High-Tech Materials đã chuyển mình trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghệ cao. Thay vì chỉ 5 dòng sản phẩm như trước, doanh nghiệp đang cung ứng 170 sản phẩm. Cơ sở khách hàng của doanh nghiệp này đã tăng lên 2.500 trên phạm vi toàn cầu. Các cơ sở hoạt động của Masan High-Tech Materials cũng vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Với không ít doanh nghiệp Việt Nam, khát vọng vươn ra toàn cầu đã trở thành một mục tiêu để hướng đến, ngay cả ở thời điểm hiện tại, khi cả thế giới vẫn đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19.

Sự hiện diện tại các quốc gia trên thế giới của FPT thời gian qua rất nhanh, từ 11 nước năm 2011 tăng lên 26 nước ở thời điểm hiện tại. Hành trình xuất khẩu trí thức mà FPT miệt mài thực hiện các năm qua đã đem về “quả ngọt”. Số khách hàng lớn (doanh số trên 1 triệu USD) ngày càng nhiều. Doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài lần lượt đạt 12.000 tỷ đồng và 1.970 tỷ đồng, đều tăng trưởng hai chữ số.

Kỳ đại hội cổ đông năm nay, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cũng đã hé lộ về một sản phẩm mới với tầm cạnh tranh trực diện với các đơn vị lớn trên thế giới. Đây là sản phẩm điện toán đám mây riêng của FPT, tương tự Office 365 của Microsoft.

Còn với hành trình để nâng vị thế trên bảng xếp hạng thế giới của Vietcombank, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, đã vạch ra các “bước đi cụ thể”. Mục tiêu lợi nhuận mà Ngân hàng hướng tới năm 2025 là 2 tỷ USD, gấp đôi con số 1 tỷ USD mà chính Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đạt được năm 2019. Kỳ vọng lớn, nhưng không phải không có cơ sở khi nhà băng này đang có sẵn “của để dành” khi mạnh tay trích lập dự phòng các năm gần đây. Mảng bán lẻ sẽ là mũi nhọn với kỳ vọng đóng góp 50% vào mức lợi nhuận mục tiêu  2 tỷ USD.

Ngoài ra, theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, ngân hàng này còn phấn đấu đứng đầu hệ thống về quy mô tín dụng tăng thêm mỗi năm, xét về con số tuyệt đối. Thực tế, năm 2020 và quý đầu năm 2021, Ngân hàng đã làm được điều này.

Vietcombank đang duy trì thành tích đứng đầu về tăng trưởng quy mô tín dụng, trong khi vẫn duy trì khẩu vị rủi ro và sự giám sát chặt chẽ trong quản trị rủi ro. Nếu có thể duy trì liên tục, quy mô tài sản - một trong các tiêu chí chính để xếp hạng sẽ tăng lên nhanh chóng để đưa Vietcombank gần hơn đến mục tiêu tăng hạng.

Hội nhập mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp trên thế giới vào Việt Nam. Và ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng đang nỗ lực khẳng định mình trên bản đồ thế giới.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét