Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Xuất khẩu cá tra sang Anh sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tận dụng UKVFTA

Xuất khẩu cá tra sang Anh sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tận dụng UKVFTA

Dù ảnh hưởng từ đại dịch cũng như khi UKVFTA chưa có hiệu lực, Anh vẫn là thị trường sáng chói trên bức tranh xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Từ tháng 02/2020, Anh chính thức ra khỏi EU và trở thành thị trường tiềm năng với thủy sản Việt Nam vì trong khi xuất khẩu sang các nước thành viên EU đều giảm mạnh do tác động của đại dịch thì xuất khẩu sang thị trường này lại tăng trưởng cao. 

Anh là 1 trong 7 nước nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong khối EU, nhưng đồng thời cũng là nước xuất khẩu đứng thứ 8 trong nội khối.

Cụ thể, giá trị nhập khẩu tăng từ 4 đến 4,5 tỷ USD trong 5 năm qua nhưng cũng xuất khẩu thủy sản tăng từ 2 đến 2,6 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu nội khối chiếm khoảng 1,6 – 1,9 tỷ USD (chiếm 70-80%). 

Hiện nay, việc đánh bắt thủy sản của EU chủ yếu diễn ra ở vùng biển Vương quốc Anh. Anh tiết lộ, sau khi Brexit thành hiện thực vào đầu năm tới, Anh sẽ là một quốc gia ven biển mới độc lập, họ muốn kiểm soát vùng biển và cá của mình. 

Các nước EU và Anh đang cố gắng đi đến một thỏa thuận nghề cá hợp lý, tuy nhiên đây là vấn đề nhạy cảm không dễ đi đến sự thống nhất giữa Anh và các nước thành viên EU. 

Do vậy, trong tình huống EU và Anh không đến được sự thỏa thuận hợp lý thì thương mại của Anh với nội khối EU sẽ khó khăn. 

Đồng thời sản lượng khai thác của EU sẽ giảm mạnh. Khi đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU với các nước ngoại khối sẽ tăng và trở thành cơ hội cho Việt Nam cùng các nước xuất khẩu thủy sản gia tăng thị phần tại EU. 

.
Nông dân cho cá tra ăn tại vùng nuôi ở tỉnh An Giang (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Đối với thị trường Anh, việc rút khỏi EU không ảnh hưởng đến thương mại với các nước ngoại khối EU vì chính sách thuế nhập khẩu của Anh không thay đổi so với mức thuế của khối EU. 

Nhu cầu thủy sản của Anh được dự báo sẽ vẫn ổn định và có thể gia tăng đối với các sản phẩm thủy sản nuôi. 

Theo bài phân tích của bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2020, Anh vẫn là thị trường sáng chói trên bức tranh xuất khẩu cá tra của Việt Nam, với tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 60 triệu USD tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm 2019. 

Như vậy, năm 2020, Anh là thị trường xuất khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng dương liên tiếp trong 9 tháng, bất chấp những ảnh hưởng liên đới từ đại dịch Covid-19. 

Tỷ trọng sản phẩm cá tra chế biến (mã HS 1604) cũng tăng mạnh, chiếm 32% trong tổng xuất khẩu cá tra, tăng hơn 1.400% so với cùng kỳ năm 2019. 

Với giá trị xuất khẩu này, nếu còn trong khối EU như năm 2019, Anh đã vượt Hà Lan là nước nhập khẩu nhiều nhất trong khu vực. 
5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu sang thị trường Anh luôn ở tốp 5 thị trường lớn nhất tại EU. 

Và trong 8 tháng đầu năm 2020, có đến 91% tổng khối lượng, 90% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của Anh đến từ Việt Nam.

Xu hướng năm 2020, Anh đã nâng dần nhập khẩu lượng cá tra đông lạnh trực tiếp từ Việt Nam thay vì nhập khẩu qua một số cảng hay một số thị trường trung gian tại EU như các năm cũ. 

Trước đó, Anh cũng thường nhập cá tra từ các nước trong khối châu Âu như Đức, Đan Mạch, Hà Lan hay Ba Lan. 

.
Giá xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh sang Anh năm 2019-2020 (Nguồn: VASEP).

Giá cá tra mà Anh nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm nay cũng tương đối ổn định, dao động từ 2,9-3,9 USD/kg. 

Nhìn lại năm 2020, gần 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh, trong đó có 3 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang và Vĩnh Hoàn. 

Theo đánh giá của Bộ Công thương, đại dịch đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu của các thương nhân. 

Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thuỷ sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp. 

Cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn cũng như điểm sáng ngành thuỷ sản xuất sang Anh, khi là nhà cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp, quy trình chế biến đạt chuẩn yêu cầu EU, Anh. 

Còn về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) sau khi có hiệu lực từ ngày 31/12/2020, hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam sang vẫn được hưởng thuế quan ưu đãi GSP khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình C/O.

Anh chỉ chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo cơ chế REX được phát hành trước ngày 01/01/2021 với hàng nhập vào UK (Anh, Bắc Ireland, Scotland và Wales) trong vòng 12 tháng kể từ sau ngày 31/12/2020.

Bà Tạ Hà đánh giá, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần lưu ý các thông tin trên để hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới được thông suốt cũng như nắm bắt những ưu đãi mà UKVFTA mang lại. 

Bên cạnh những ưu đãi về thuế quan, Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu về cam kết minh bạch tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của 2 bên. 

Cũng chia sẻ trên VASEP, TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta đánh giá, hai mặt hàng chủ lực của thuỷ sản xuất khẩu hiện là cá tra và tôm đang có hoàn cảnh không giống nhau.

Trong khi tôm đứng trước thời cơ vàng tăng trưởng thì cá tra lại đang đứng trước khó khăn ngày càng lớn do sự cạnh tranh từ sản lượng cá minh thái tự nhiên vẫn ổn định ở mức cao trong vài chục năm qua, do sản lượng cá tra nuôi ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Banglase, Trung Quốc ngày càng nhiều.

Dù các quốc gia này nuôi cá tra để tập trung cung ứng tiêu thụ trong nước nhưng ông Hồ Quốc Lực băn khoăn, sau này, khi tăng sản lượng nuôi, họ có thể tranh giành thị trường tiêu thụ trên thế giới?

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét