“Phải tận dụng mọi cơ hội phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ dân số vàng để sẵn sàng khi bước vào thời kỳ già hóa dân số”.
Đó là chia sẻ của PGS-TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý; cộng tác viên Viện Nghiên cứu già hóa dân số, Đại học Oxford (Vương quốc Anh).
PGS-TS Giang Thanh Long. |
Theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, vào năm 2039, Việt Nam chấm dứt thời kỳ dân số vàng. Thưa ông, như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi già hóa dân số?
Theo tiêu chí của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc), thì một quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tối đa chiếm 30% và người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) dưới 15% tổng dân số được coi là ở thời kỳ dân số vàng. Nếu theo tiêu chí này, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng kể từ năm 2007 và theo tính toán của Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng dân số hàng năm 0,93% và đang giảm dần thì vào năm 2039, Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ dân số vàng.
Tuy nhiên, ngay sau khi bước vào thời kỳ dân số vàng, Việt Nam đã bước ngay vào thời kỳ già hóa dân số. Cụ thể, vào năm 2009, quy mô dân số của Việt Nam là 85,847 triệu người, trong đó người từ 60 tuổi trở lên chiếm 8,7%, thì 10 năm sau, vào năm 2019, quy mô dân số đạt 96,209 triệu người, thì người từ 60 tuổi trở lên đã chiếm 12%. Trong vòng 10 năm, dân số cả nước tăng thêm 10,362 triệu người, thì người cao tuổi tăng khoảng 4 triệu người. Như vậy, có thể thấy, tốc độ già hóa dân số của nước ta rất nhanh.
Các nước trên thế giới đều tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển kinh tế. Theo ông, Việt Nam đã tận dụng hết cơ hội thời kỳ dân số vàng chưa?
Lực lượng lao động của nước ta hiện vào khoảng 54,6 triệu người. Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực gặp khó khăn, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong quý III/2020 chỉ có 2,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam xếp theo tiêu chí của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) rất thấp, chỉ loanh quanh mức 2,5%. Điều này cho thấy, chúng ta đã tận dụng rất tốt thời kỳ dân số vàng, ít nhất là tạo công ăn việc làm cho người dân. Khi người dân có công ăn việc làm sẽ có thu nhập để cải thiện cuộc sống cả vật chất, tinh thần, lẫn giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và có một phần tích lũy khi hết tuổi lao động.
Người dân có việc làm sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước và thực tế đã cho thấy, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt trên 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Đây chính là sự chuẩn bị để khi bước vào thời kỳ dân số già, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, về chất lượng lao động, có thể khẳng định Việt Nam chưa tận dụng được thời kỳ dân số vàng, khi mà năng suất lao động thuộc hàng thấp nhất khu vực, kém rất xa Singapore, Malaysia, Thái Lan. Năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, đa phần người dân, đặc biệt là khu vực phi chính thức, làm bữa nay lo bữa mai, không có tích lũy cho tương lai. Như vậy, về mặt chất lượng, chúng ta chưa tận dụng được cơ hội dân số vàng.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh, trách nhiệm phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng chấm dứt, thưa ông?
Ngay khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lo nguy cơ “chưa giàu đã già”. Tôi cho rằng, đây không chỉ là lo lắng của người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ này, hay nhiệm kỳ sau, mà là lo lắng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong rất nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ sau này. Chính phủ đã và đang chuyển hóa lo lắng bằng hành động.
Trong nhiệm kỳ này, ở khía cạnh xã hội đã thấy Chính phủ làm được rất nhiều việc. Đó là thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam luôn duy trì vị trí số 1 trong ASEAN, nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn dân…
Còn trong lĩnh vực kinh tế, trong vòng 5 năm qua, Việt Nam luôn đứng top đầu về tăng trưởng GDP, xuất - nhập khẩu, mở mọi cánh cửa để tiếp cận với kinh tế thế giới. Thu nhập của người dân được cải thiện hàng năm, ngay cả năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn đạt 2.750 USD, tăng 35,6 USD so với năm 2019...
Những kết quả trên cho thấy, Việt Nam đã và đang có sự chuẩn bị tốt để bước vào thời kỳ dân số già.
Có nghĩa là sự chuẩn bị đi đúng hướng?
Việt Nam đã có sự chuẩn bị để bước vào thời kỳ già hóa dân số, nhưng chưa đủ. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phát triển, người trên 60 tuổi, thậm chí trên 70 tuổi vẫn làm việc bình thường vì họ có sức khỏe, có trí tuệ, có kinh nghiệm và họ chính là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Không chỉ là nguồn lực lao động vô cùng quý giá, mà người già ở các nước phát triển còn là lực lượng tiêu dùng rất lớn, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Còn Việt Nam thì sao, tuyệt đại đa số người già “sáng tập thể dục, chiều đón cháu” do không còn đủ sức khỏe cũng như không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, cần phải tập trung vào đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cho người trẻ từ bây giờ để khi về già họ vẫn có thể tiếp tục tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là lực lượng tiêu dùng lớn của xã hội. Người già phải là nguồn lực phát triển chứ không phải là gánh nặng của xã hội.
Đảng, Nhà nước đã nhìn ra vấn đề này khi ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số và đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét