2/5 thị trường thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu nhập khẩu 10.000 tấn gạo Việt Nam
Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm lượng hạn ngạch xuất khẩu gạo 10.000 tấn trong năm 2021 mà thị trường thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã phân bổ cho Việt Nam.
Năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam được phân bổ 10.000 tấn gạo theo hạn ngạch vào thị trường EAEU |
Theo Bộ Công Thương, thực hiện việc phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) đã ban hành Quyết định số 110 về phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam cho từng nước thành viên thuộc Liên minh Á - Âu trong năm 2021.
Cụ thể, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) đã phân bổ cụ thể số lượng gạo nhập khẩu vào thị trường Cộng hòa Belarus là 9.600 tấn và Cộng hòa Armenia 400 tấn. Các nước như Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan không có trong danh sách hạn ngạch nhập gạo từ Việt Nam trong năm 2021.
Sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sang 2 thị trường trên trong năm 2021 có mã số HS 1006 30 6701 và HS 1006 30 9801.
Như vậy, chiếu theo cam kết từ một số FTA, năm 2021, ngoài 10.000 tấn gạo xuất sang 2/5 thị trường trong EAEU, thì Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đi vào thực thi từ 1/8/2020 cũng mở đường cho 80.000 tấn gạo theo hạn ngạch sang EU, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
11 tháng năm 2020, gạo là một trong những mặt hàng ghi điểm cao về xuất khẩu khi giảm về lượng nhưng lại tăng về trị giá nhờ vào giá xuất khẩu nhiều loại gạo được cải thiện. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu 11 tháng qua đạt trên 5,7 triệu tấn, thu về gần 2,83 tỷ USD, giá trung bình đạt 496 USD/tấn, giảm 2,9% về lượng, tăng 9,7% về kim ngạch và tăng 12,9% về giá so với cùng kỳ năm 2019.
Philippines đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng qua, chiếm 34% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 32,2% trong tổng kim ngạch, đạt trên 1,94 triệu tấn, tương đương 910,16 triệu USD, giá trung bình 468,9 USD/tấn.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 752.307 tấn, tương đương 431,67 triệu USD, giá trung bình 573,8 USD/tấn, tăng mạnh 66,3% về lượng, tăng 91,6% về kim ngạch và tăng 15,2% về giá so với cùng kỳ năm 2019; chiếm gần 13,2% trong tổng lượng và chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch.
Tiếp đến là thị trường Ghana, đạt 506.475 tấn, tương đương 273,01 triệu USD, giá 539 USD/tấn, tăng 23,9% về lượng, tăng 34,3% về kim ngạch và tăng 8,4% về giá so với cùng kỳ.
Nhìn chung, xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2020 sang đa số các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tăng cao ở một số thị trường như: Indonesia tăng 133% về lượng và tăng 181% về kim ngạch, đạt 88.254 tấn, tương đương 47,82 triệu USD; Australia cũng tăng 56,6% về lượng và tăng 58,2% về kim ngạch, đạt 25.735 tấn, tương đương 16,25 triệu USD; EU tăng 23% cả về lượng và kim ngạch, đạt 22.296 tấn, tương đương 11,96 triệu USD.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét