Xuất khẩu hàng hóa sang 3 thị trường châu Mỹ trong CPTPP là Mexico, Chile và Peru có mức tăng mạnh nhất trong khối, nhưng giá trị tuyệt đối còn khiêm tốn.
. |
Xuất siêu 3 tỷ USD
Các thị trường Mexico, Chile và Peru đang có tín hiệu tăng trưởng thương mại khá tích cực kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi (đầu năm 2019).
Số liệu đưa ra tại Hội thảo Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với 3 nước Mexico, Chile và Peru tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP do Bộ Công thương tổ chức đầu tuần này cho thấy, sau 1 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, trong năm 2019, tổng giá trị thương mại hai chiều của Việt Nam với Mexico, Chile và Peru đạt 5,12 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang 3 thị trường này đạt 4,11 tỷ USD, tăng 26,76% so với năm trước đó.
Đây là những thị trường mà Việt Nam xuất siêu cao nhất tại khu vực Mỹ La-tinh, với tổng thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mexico tăng 26,3%, Chile tăng 20,3% và và Peru tăng 36,4%.
Mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, song xuất khẩu sang 3 nước thành viên CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ trong 10 tháng năm 2020 vẫn đạt 3,74 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu sang Mexico, Chile và Peru dẫu tăng khá trong khối CPTPP, nhưng giá trị tuyệt đối đạt được còn thấp, bởi ngoại trừ Chile, cả Mexico và Peru là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và việc khai thác xuất khẩu sang các thị trường này chưa được doanh nghiệp chú trọng.
Đơn cử, 2019 là năm ghi dấu CPTPP có hiệu lực, mở lối cho hàng Việt tăng xuất khẩu sang Mexico, Chile và Peru, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu sang 3 thị trường này chỉ đạt trên 4 tỷ USD. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, điện thoại linh kiện các loại… được đánh giá triển vọng, nhưng chưa dễ tạo được sức tăng trưởng mạnh mẽ.
Doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Mexico, Chile và Peru đang đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp…
Trong Báo cáo về "Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên" tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành cuối tháng 9/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, thương mại giữa Việt Nam và 10 nước thành viên CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018; nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7%.
Năm 2019, tuy Việt Nam xuất siêu sang các nước CPTPP tới 1,6 tỷ USD, trong khi năm 2018, Việt Nam nhập siêu từ các nước này 0,9 tỷ USD, nhưng Bộ trưởng đánh giá, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác CPTPP nói chung còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại thị trường Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (0,6%).
Sức bật nào cho hàng Việt?
Trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP, 3 nước Mexico, Chile và Peru thuộc khu vực châu Mỹ đều cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hóa Việt Nam ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực (Chile 95%, Peru 80% và Mexico 77%).
Nguồn: Bộ Công thương
FTA đã có, thị trường xuất khẩu đã được thuận lợi hóa nhờ giảm thuế và được tạo thuận lợi thương mại, nhưng sẽ khó có sự bật lên mạnh mẽ cho hàng Việt khi doanh nghiệp còn chưa chủ động tìm đường đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ được tổ chức mới đây, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, các doanh nghiệp Việt đôi khi chưa thực sự "máu lửa", chưa dũng cảm mở lối đi cho mình, mà vẫn hài lòng với những đơn hàng, khách hàng quen thuộc.
Tâm lý e ngại làm ăn với những khách hàng mới, đơn hàng xuất khẩu giá trị không cao, nhiều khi lại yêu cầu mặt hàng mới buộc doanh nghiệp phải đầu tư thêm… đang được xem là mối bận tâm của một bộ phận doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức An, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đóng tại Đồng Nai cho hay, thời gian qua, doanh nghiệp của ông nhận được một số đơn hàng xuất đi một số thị trường CPTPP như Mexico, Peru, nhưng cộng gộp các đơn hàng lại, giá trị vẫn nhỏ, tính liên tục chưa cao, nên doanh nghiệp đang cân nhắc có nên làm tiếp hay không.
“Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sụt giảm bởi dịch bệnh, việc mở rộng kênh thương mại với những thị trường mới trong CPTPP là cần thiết, nhưng doanh nghiệp phải tính toán kỹ để đảm bảo an toàn, do đó, những thị trường truyền thống như Mỹ, EU vẫn phải là ưu tiên hàng đầu, bởi xuất sang EU đã có EVFTA từ đầu tháng 8/2020”, ông An phân tích.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có nhiều con đường để thâm nhập thị trường mới, khai thác tốt các thị trường CPTPP.
Là doanh nghiệp logistics, ông Đinh Hữu Thạnh, CEO Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) cho biết, phần lớn các thị trường thuộc châu Mỹ đều có quy định khắt khe, phức tạp, khoảng cách vận chuyển lại xa. Dẫu vậy, với kinh nghiệm làm logistics nhiều năm, doanh nghiệp này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về thủ tục nhập khẩu sản phẩm vào thị trường mục tiêu trong khối; hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp với các đối tác và công ty tư vấn tại nước nhập khẩu để hoàn thiện các thủ tục đăng ký và giấy tờ theo quy định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét