Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Bị thua lỗ, chuỗi bán lẻ Miniso vẫn IPO tại Mỹ

Chuỗi bán lẻ này có 4.200 cửa hàng trên toàn cầu, bao gồm hơn 40 cửa hàng ở thị trường Việt Nam. Trong năm tài chính 2020, Miniso vẫn bị lỗ khoảng 37 triệu USD.

Chuỗi bán lẻ Miniso chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) vào 15/10. Thương vụ này có thể đưa ra nhà sáng lập Ye Guofu trở thành tỷ phú.

Theo ước tính của Forbes, Ye, người sở hữu 65% cổ phần của Miniso sau khi IPO, sẽ có sở hữu khối tài sản trị giá 3,3 tỷ USD.

Miniso là chuỗi bán lẻ chuyên bán các mặt hàng gia dụng giá rẻ, chẳng hạn như mascara giá 1,5 USD hay tai nghe giá 6 USD. Công ty được chống lưng bởi tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc Tencent.

Ye Guofu, nhà sáng lập Miniso
Ye Guofu, nhà sáng lập Miniso

Theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) tuần trước, Miniso đang hướng tới gọi 562,4 triệu USD vốn bằng việc bán các cổ phiếu ký thác Mỹ trong tầm giá 16,5-18,5 USD.

Công ty dự kiến sử dụng số tiền thu được để mở thêm cửa hàng và mở rộng mạng lưới hậu cần. Đại dịch đã buộc một số cửa hàng của hãng phải đóng cửa trong nửa đầu năm và cũng góp phần khiến doanh thu giảm 4,4% xuống 1,3 tỷ USD trong năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 6.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tin tưởng vào khả năng tăng trưởng trong dài hạn của Miniso.

Chuỗi bán lẻ này có 4.200 cửa hàng trên toàn cầu, bao gồm 1.680 địa điểm ở thị trường nước ngoài. Công ty vẫn chưa có lãi, nhưng khoản lỗ thu hẹp còn 37 triệu USD trong năm tài chính 2020, giảm 12% so với một năm trước.

Miniso không phải là công ty đầu tiên của Ye. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, ông từng làm việc tại một nhà máy thép của nước này trước khi tự lập nghiệp. Sau đó, ông bán mỹ phẩm và đồ gốm sứ. Năm 2013, Ye đến Nhật Bản và rất ấn tượng với chuỗi cửa hàng Muji. Chính điều này đã truyền cảm hứng cho ông thành lập Miniso.

Miniso gia nhập thị trường Việt Nam năm 2016, thông qua hình thức nhượng quyền (franchise) với Tập đoàn Lê Bảo Minh, với mức phát giá nhượng quyền độc quyền lên tới 1,1 triệu USD (theo nguồn tin của Báo Đầu tư).

Năm 2017, sau một năm gia nhập thị trường thông qua nhượng quyền độc quyền cho Tập đoàn Lê Bảo Minh, Miniso được coi là hiện tượng ở Việt Nam với màn lật ngược tình thế đáng nể
Năm 2017, sau một năm gia nhập thị trường thông qua nhượng quyền độc quyền cho Tập đoàn Lê Bảo Minh, Miniso được coi là hiện tượng ở Việt Nam với màn lật ngược tình thế đáng nể

Vào Việt Nam, Miniso đặt mục tiêu phủ rộng khắp 60 tỉnh, thành phố, với 500 cửa hàng từ nay đến năm 2020. Việc thâm nhập thị trường Việt Nam nằm trong tham vọng sẽ có 10.000 cửa hàng trên toàn cầu vào năm 2022 của chuỗi bán lẻ này.

Thời điểm đó, Miniso vấp phải những vấn đề liên quan tới nguồn gốc cửa hàng. Khi đó, dư luận đặt nhiều dấu hỏi về xuất xứ của Miniso đến từ Trung Quốc hay Nhật Bản.

Cuối năm 2017, Miniso Việt Nam công bố chiến lược franchise cho các nhà đầu tư trong nước khi có 28 cửa hàng, mỗi ngày có trên 8.000 lượt khách hàng ghé thăm.

Mặc dù vậy, chỉ hai năm sau (2018), cùng với việc thu hẹp địa bàn kinh doanh, Miniso Việt Nam chính thức về tay ông chủ Trung Quốc.

Có chuyên gia cho rằng, đó là chiêu của nhà đầu tư Trung Quốc nhằm thông qua công ty khác để tìm hiểu thị trường Việt Nam, gây ấn tượng với người tiêu dùng, sau đó thâu tóm lại để dễ bề quản lý.

Điều đó chỉ đúng một phần. Bản chất của các thương hiệu nhượng quyền đều là dùng bên mua nhượng quyền làm công cụ khai hoang. Nên trong hợp đồng franchise, họ mới có các quy định như thế nào là đạt và không đạt tiêu chí.

Hiện Miniso Việt Nam có 41 cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM, Phú Thọ, Cần Thơ, Đắc Lăk, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Bình Dương.

Miniso thừa nhận người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển hướng từ các cửa hàng cao cấp đến các trung tâm mua sắm. Do vậy, công ty đang điều chỉnh chiến lược mở rộng của mình. Miniso đã đạt được thỏa thuận với Vincom để mở thêm các cửa hàng tại các trung tâm thương mại.

Theo một chuyên gia trong nghề, doanh nghiệp Trung Quốc rất muốn vào thị trường Việt Nam và dùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bàn đạp trong thời kỳ đầu. Miniso Việt Nam đã có 2 năm phát triển và ít nhiều đã có hệ thống. Nhưng cái cớ để công ty mẹ bên Trung Quốc thâu tóm lại là do Miniso Việt Nam hoạt động không hiệu quả.

“Họ không đáp ứng yêu cầu của tập đoàn mẹ, bao gồm cam kết mở điểm bán và mua hàng. Thực tế, họ không có lãi, do chi phí mặt bằng và nhân sự quá lớn”, một chuyên gia cho hay.

Khi nhượng quyền độc quyền cho Tập đoàn Lê Bảo Minh, Miniso có yêu cầu franchise cam kết mở bao nhiều điểm ở Việt Nam theo lộ trình từng năm, đồng thời phải có cam kết mua hàng.

Khi không mở đủ điểm, thì chắc chắn, việc mua hàng sẽ khó đạt. Mục tiêu của Miniso mẹ lấy lại thị trường Việt Nam không phải để thâm nhập, mà tiếp quản, cơ cấu lại và bán cho bên khác.

Thời điểm đó, Miniso đã mở được 37 cửa hàng, trong đó có 2 cửa hàng nhượng quyền, 5 cửa hàng vừa đóng cửa và chỉ còn lại 32 cửa hàng. Trong khi đó, chỉ tiêu Miniso Trung Quốc giao là phải mở 200 cửa hàng trong 5 năm, tức là bình quân 40 cửa hàng/năm.

“Họ đã rất cố gắng và cũng đầu tư nhiều, nhưng thị trường Việt Nam khó quá”, chuyên gia này nói.

Khó ở đây một phần do thị trường bão hòa, khách hàng có nhiều lựa chọn và những nhãn hàng như Miniso không còn mới mẻ nữa. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam không nhiều thiện cảm với hàng Trung Quốc, nên việc mở điểm mới không dễ.

Theo vị chuyên gia này, mức chiết khấu Miniso được hãng cắt là 38%. Giá trị sản phẩm trung bình của Miniso là 100.000 đồng (từ 43.000 - 600.000 đồng), gần đây có sản phẩm giá cao hơn. Giả sử để bán 2 tỷ đồng/tháng, thì cần phải có doanh thu bán hàng 70 triệu đồng/ngày (khoảng 7.000 sản phẩm). Mỗi ngày có 13 giờ bán hàng (từ 9h sáng đến 10h tối), tương đương khoảng 780 phút. Như vậy, bình quân bán gần 10 sản phẩm/phút là không thể.

Ca sỹ Sơn Tùng M-TP làm đại sự thương hiệu của Miniso tại Việt Nam năm 2018
Ca sỹ Sơn Tùng M-TP làm đại sự thương hiệu của Miniso tại Việt Nam năm 2018

Ilahui, Miniso, Mumuso, Minigood, Yoyoso, Usupso là các hãng xuất xứ 100% từ Trung Quốc cùng kéo vào Việt Nam năm 2016 - 2017. Trước năm 2016 chỉ có 2 thương hiệu của Nhật Bản là Daiso và Komonoya thịnh hành ở Việt Nam. Các thương hiệu này có mô hình kinh doanh y hệt nhau và đều mua franchise.

Nhưng khác với Miniso, các thương hiệu còn lại vẫn do người Việt Nam làm chủ và công ty mẹ ở Trung Quốc không thể lấy về. Đặc biệt, họ ít bị ràng buộc về hợp đồng, hàng hóa không bị phụ thuộc vào thương hiệu chính hãng, bởi họ được 2 - 3 nhãn hàng từ Nhật Bản và Hàn Quốc hỗ trợ.

Theo giới chuyên môn, độ tinh vi của Miniso Trung Quốc còn thể hiện ngay từ lúc thành lập công ty. Vị chủ tịch sáng lập Ye Guo Fu đã thuê nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Junya (được sở hữu một số cổ phần), mở đại diện ở Nhật Bản, rồi thiết kế, copy những sản phẩm tiêu dùng thành công và bán chạy nhất để sản xuất hàng loạt, bán sản phẩm ra toàn châu Á. Các nhãn khác như Mumuso cũng copy nguyên từ Miniso và vẫn thành công trên thị trường.

Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, kinh doanh bán lẻ không dễ dàng. Vụ việc Mumuso bị phanh phui về nguồn gốc hàng Trung Quốc đột lốt hàng Hàn Quốc và Miniso lại bị chính tập đoàn mẹ thâu tóm lại khiến việc kinh doanh đã khó lại càng khó hơn, vì niềm tin của người tiêu dùng rất khó lấy lại. Các thương hiệu còn lại trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc như Ilahui, Minigood, Yoyoso, Usupso… cũng thêm phần chững lại.

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét