Di tích gắn liền với lịch sử dân tộc
Kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang vẫn được lưu giữ nguyên vẹn sau 74 năm
Nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây vốn là nhà của cụ Trịnh Phúc Lợi - chủ hiệu tơ lụa Phúc Lợi - được xây theo lối cổ gồm 2 tầng. Sau khi được kế thừa ngôi nhà từ người cha, ông bà Trịnh Văn Bô đã sửa sang theo lối kiến trúc hiện đại gồm 4 tầng, tầng 1 là cửa hàng bán tơ lụa, tầng 2 và 3 là các phòng dùng để tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ, tầng 4 chủ yếu làm kho chứa hàng.
Thành ủy Hà Nội đã chọn nơi đây làm nơi ở và làm việc của các đồng chí trong Trung ương Đảng trước Cách mạng tháng Tám bởi 2 lý do. Thứ nhất, ngôi nhà nằm giữa khu buôn bán sầm uất, khách hàng ra vào nhộn nhịp, từ trên tầng 4 có thể quan sát động tĩnh cả một khu vực rộng lớn từ chợ Đồng Xuân đến ngã tư Hàng Đào, phù hợp với hoạt động bí mật của Đảng. Thứ hai, gia đình ông Trịnh Văn Bô là tư sản yêu nước, đã được giác ngộ cách mạng từ lâu và trở thành một cơ sở tin cậy của Đảng trong nội thành Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, tại ngôi nhà này, ngày 22-8-1945, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng để bàn về công tác đối nội, đối ngoại và đón Bác Hồ về Hà Nội.
Ngày 23-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thôn Phú Gia (Từ Liêm, Hà Nội). Ngày 25-8-1945, Bác vào nội thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng đón Người về ở 48 Hàng Ngang. Đây là lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân tới Hà Nội. Để đảm bảo bí mật, Bác được đưa vào theo mặt sau là cửa nhà số 35 Hàng Cân. Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) từng kể rằng: “Tôi nhớ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi. Người ăn mặc rất giản dị, áo nâu, quần soóc nâu, đi dép cao su. Khi Người bước vào nhà, vợ chồng tôi ra đón và đưa lên gác 3, nơi tôi đã chọn sẵn một buồng đủ tiện nghi, nhưng Người đã từ chối và chọn tầng 2 để ở và làm việc cùng các đồng chí của mình”.
Phòng ăn của gia đình trước đây đã được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Giữa phòng là chiếc bàn gỗ hình chữ nhật với 8 chiếc ghế tựa bọc nỉ xanh, phủ vải trắng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời vào ngày 2-9-1945. Phòng ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rộng khoảng 20m2, đồ đạc rất đơn giản. Ở phía trong kê một chiếc bàn tròn, đường kính 1m, một chiếc ghế bành có lưng tựa cao bọc vải trắng, góc bên đặt một chiếc đi văng, một chiếc tủ gỗ màu cánh gián. Gần cửa là chiếc giường vải xếp để Bác nằm.
Chính tại căn phòng nhỏ ấy, Bác đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thông với phòng ở của Bác là phòng khách phía ngoài, rộng chừng 50m2, có cửa kính, cửa chớp, rèm. Giữa phòng khách trải tấm thảm len, kê một bộ sa lông tiếp khách. Qua hành lang ở tầng 2 có một phòng rộng 60m2 là nơi Bác thường làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ.
“Địa chỉ đỏ” về giáo dục lòng yêu nước
Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chắp bút được lưu giữ cẩn thận
Chiều 2-9-1945, lúc 14h, trước hàng vạn nhân dân tập trung tại quảng trường Ba Đình và hàng chục vạn người tập trung dưới loa phóng thanh ở các địa điểm trong nội thành Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau khi Bác mất, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một di tích cách mạng ở Thủ đô. Tại đây, ngoài phần lưu niệm gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám còn có một phòng lớn (tầng 1) trưng bày hình ảnh, tư liệu “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”.
Hơn 7 thập kỷ trôi qua, ngôi nhà lịch sử gắn liền với bao thăng trầm của thời gian vẫn còn đó những nét xưa cũ, những dấu ấn của năm tháng lịch sử với bộ bàn ghế sa lông mềm mại, cả những bức rèm lụa trắng bay trong gió bên những ô cửa nhỏ, bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, góc làm việc… Những kỷ vật này đã trở thành vô giá và đều như còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về. Di tích 48 Hàng Ngang đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1979 và là một hệ thống chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tới thăm quan di tích lịch sử 48 Hàng Ngang, anh Nguyễn Anh Minh (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn) chia sẻ, anh cảm thấy rất xúc động khi nhìn ngắm những kỷ vật được lưu giữ qua hàng chục năm qua.
Từ địa điểm này, toàn bộ những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã được Người khởi thảo thành văn bản. Đồng thời, qua những hiện vật, hình ảnh được sưu tầm và trưng bày tại tầng 1 của ngôi nhà còn giúp anh và các thế hệ trẻ của ngày hôm nay hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, điều kiện ra đời bản Tuyên ngôn độc lập từ 74 năm về trước.
Là một du khách đến từ nước Pháp xa xôi, chị Celine Audebeau cho biết, khi tới Hà Nội, ngoài các địa điểm tham quan danh thắng, chị đặc biệt quan tâm tới địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập. Những kỷ vật trưng bày ở đây đã cho chị hiểu về đức tính giản dị và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cùng tư tưởng cốt lõi xuyên suốt, khát vọng độc lập của một dân tộc từ bùn lầy vùng lên thoát khỏi kiếp nô lệ.
Để bảo quản và phát huy các kỷ vật vô giá tại di tích 48 Hàng Ngang, đại diện Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, các hiện vật đều được bảo quản theo đúng quy trình. Đồng thời, Ban Quản lý còn nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung nhiều tư liệu, hiện vật để phát huy giá trị của di tích 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà và những kỷ vật gắn liền với Bác đã và đang được gìn giữ, phát huy để xứng đáng là di tích lịch sử thiêng liêng, trở thành “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và niềm tự hào của dân tộc.
Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, càng đến gần ngày Quốc khánh 2-9, càng có đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước với các độ tuổi, nghề nghiệp đã tìm đến di tích để tìm hiểu, học tập. Đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà. Và con số này sẽ không ngừng tăng lên, đặc biệt vào các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét