Hình ảnh tàu ngầm 613, thế hệ tàu ngầm Liên Xô dự kiến chuyển giao cho Việt Nam trong những năm 1980
Bước chuẩn bị đầu tiên
Kế hoạch xây dựng lực lượng đặc nhiệm tàu ngầm Việt Nam hình thành từ những năm 1980. Tháng 1-1982, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập đoàn tuyển chọn, cử người đến tất cả các đơn vị hải quân ở miền Bắc để chọn nhân sự cho việc thành lập lực lượng tàu ngầm.
Ngày 1-6-1982, Chuẩn Đô đốc Đoàn Bá Khánh ký quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh là “Đoàn 682”, trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân (tiền thân của Hải đội 182 sau này).
Tháng 6-1984 Chuẩn Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân đã ký quyết định thành lập Hải đội tầu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam với phiên hiệu là Hải đội 182 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân với ba thành phần: Cơ quan Hải đội, Khung tàu ngầm 1, Trạm nổi. Đồng chí Trần Quang Khuê (sau này là Trung tướng, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) là Hải đội trưởng. Đồng chí Nguyễn Thiện Toản là Hải đội phó Chính trị.
Như một mối duyên, chiếc tàu ngầm đầu tiên về Việt Nam mang tên Hà Nội, có số hiệu HQ-182. Từ mật danh Đoàn 682 đến Hải đội tàu ngầm 182 rồi tới 196, 189, chúng ta đã đi một chặng đường dài. Đó là sự tiếp nối và lớn mạnh không ngừng của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tháng 5-1982, sau vòng sơ tuyển lần 2, chỉ còn 40 người được chọn từ đợt sơ tuyển tháng 1 được giữ lại. Họ phải liên tục rèn luyện thể lực, học tiếng Nga để sẵn sàng đi huấn luyện ở Liên Xô (cũ). Sau 2 năm rèn luyện với kỷ luật thép, tháng 5-1984, đơn vị lại chuyển quân về Đoàn an dưỡng 220 Hải quân (Bãi Cháy, Quảng Ninh) để kiểm tra sức khỏe đợt cuối, quân số được chốt lại. Tháng 7-1984, tổng cộng có 55 sỹ quan, chiến sỹ của Khung tàu 1 lên đường sang Trung tâm Huấn luyện tàu ngầm Liên Xô (đóng tại Riga, Cộng hòa Latvia), bắt đầu 21 tháng đào tạo đầu tiên về tàu ngầm.
Bộ khung lực lượng tàu ngầm đầu tiên được hình thành gồm các đồng chí Thuyền trưởng Phạm Tân, Thuyền phó chiến đấu 1 Đinh Hải Huy, Thuyền phó chiến đấu 2 Trần Văn Thịnh… Khi đó trong nước, công cuộc tuyển chọn Khung tàu 2 vẫn tiếp tục.
Điều đáng tự hào là các chuyên gia tàu ngầm Liên Xô lúc ấy đánh giá Việt Nam là một trong các kíp tàu tốt nhất họ từng đào tạo, không hề thua kém các nước bạn, kể cả các nước đã sừng sỏ về tàu ngầm như CHDC Đức, Cuba, Syrie, Ấn Độ, Lybia. Giảng viên môn Đấu tranh vì sự sống con tàu đã giành 2 điểm 5 hiếm hoi của mình cho các học viên Việt Nam. 55 thủy thủ đoàn khung tàu đầu tiên, sau một thời gian xuống tàu đã có thể tác chiến độc lập mà không cần các thủy thủ Liên Xô kèm cặp.
Những thành viên của khung tàu đầu tiên. Bức ảnh được chụp vào mùa hè năm 1984 tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm của Hạm đội Baltic tại thành phố Riga của Latvia (Liên Xô)
Tháng 3-1986, 55 thủy thủ Việt Nam chính thức trải qua nghi lễ uống nước biển trên biển Baltic. Đó là nghi thức truyền thống của thủy thủ tàu ngầm trên thế giới. Từ độ sâu 70m, mỗi thủy thủ đều mở van thông đáy lấy cho mình một ít nước biển để uống. Sau giây phút đó, họ chính thức được coi là thủy thủ tàu ngầm - thế hệ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam.
Riêng Thuyền trưởng Phạm Tân, ông còn trải qua một nghi thức nữa, đó là cạn hết một ly Vodka đầy từ những đồng đội Liên Xô: “Họ thả phù hiệu binh chủng vào ly rượu và bảo, “lặn xuống được, thì phải nổi lên được”. Và tôi phải cạn ly như lời hứa luôn đảm bảo đưa các chuyến tàu đi về an toàn”.
Tầm nhìn về một binh chủng tàu ngầm
“Nếu chúng ta không có vũ khí đủ mạnh, chúng ta sẽ không thể bảo vệ được vùng biển Tổ quốc” - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã nói với Hải đội 182 trong ngày chuẩn bị lên đường sang Liên Xô. Nghĩ đến tàu ngầm từ thời điểm nước nhà còn rất khó khăn, thậm chí còn định hướng tới một binh chủng tàu ngầm là tư duy táo bạo của vị Tư lệnh. Đô đốc Giáp Văn Cương đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đưa kíp thủy thủ đi đào tạo trong điều kiện còn vô vàn khó khăn.
Thời điểm kíp tàu đầu tiên được thành lập, Đô đốc Giáp Văn Cương đã nói với những người lính, bằng giọng bông đùa nhưng cũng đầy nghiêm trang: “Từ giờ ai còn dám nói Việt Nam không có tàu ngầm là tôi cắt lưỡi”. Ông đích thân đến thăm Hải đội ba lần, khi tập luyện ở Bãi Cháy, trước ngày sang Riga và khi Hải đội đang học tại Latvia.
Các thành viên Hải đội vẫn nhớ ngày Đô đốc Cương chia tay kíp tàu lên đường sang Liên Xô. Vị chỉ huy nhắn nhủ: “Các đồng chí đi thực hiện nhiệm vụ, không đồng chí nào vì lý do này khác mà được để phí hoài”. Ước mơ về một binh chủng tàu ngầm lớn mạnh và một lực lượng phát triển cũng được gửi gắm ở những gương mặt xuất sắc thế hệ đó.
Ông Trần Văn Thịnh nhớ lại ngày Đô đốc Giáp Văn Cương đích thân sang Riga thăm các thủy thủ Việt Nam. Tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga, thủy thủ đoàn Việt Nam được học trên tàu ngầm Diesel đề án 613 (gọi tắt là 613, NATO định danh bằng cái tên lãng mạn Romeo), được chế tạo trong những năm 1950 thế kỷ trước.
Theo thiết kế, tàu ngầm 613 có hai thân. Thân trong hàn hoàn toàn, khung ngoài được chia thành 7 khoang. Bãi tàu của trung tâm ngoài các con tàu 613 còn có tàu 641 thuộc thế hệ mới hơn. Chỉ những chiếc 641, Đô đốc Cương nói: “Bây giờ các đồng chí phải học và vận hành tốt 613, nhưng tương lai là phải nghĩ tới sử dụng cái kia”.
Tàu ngầm Kilo 186 Đà Nẵng được đưa về cảng Cam Ranh hồi tháng 2-2016
Bước đệm quan trọng cho lực lượng tàu ngầm Việt Nam
Cho dù chưa được hiện thực hóa ước mơ xuống tàu gần 40 năm trước, nhưng sự hình thành của Hải đội 182 là một bài học về sự chuẩn mực, là một bước đệm cho lực lượng tàu ngầm Việt Nam sau này. Đại tá Trần Văn Thịnh nhớ lại: “Thời điểm đó, công tác tuyển chọn, đào tạo nhân lực cho ngành tàu ngầm là mẫu mực”.
Ngay trong thời điểm hiện tại, việc tuyển chọn, đào tạo cũng kế thừa từ những kinh nghiệm trước đây. Các bài kiểm tra đều do các chuyên gia quân sự Liên Xô tư vấn. Mỗi người đều qua 2 vòng sơ tuyển trước khi được chọn vào vòng huấn luyện chính thức. Người được chọn phải có tiền đình tốt, chịu áp luật tối thiểu là 4 Atmosphere - tương đương độ sâu 40m.
Những cuộc sàng lọc diễn ra liên tục để lựa chọn người không chỉ có thể lực mà còn cả ý chí, ý thức. Ngoài ra, những yêu cầu về trình độ văn hóa, ngoại ngữ, ý thức chính trị cũng được đề cao. Đa phần sỹ quan được lựa chọn đều đã có thời gian tham gia đào tạo tại Liên Xô trước đó.
Nói về vai trò của Hải đội 182, Trung tướng Trần Quang Khuê (nguyên Phó tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 182) từng phát biểu: “Tuy thời gian tồn tại không nhiều, nhưng Hải đội 182 để lại những ấn tượng sâu sắc. Việc tổ chức khung tàu ngầm 182 đi học, tuy chưa được xuống tàu nhưng đã tích lũy những kinh nghiệm quý báu để sau này xây dựng đơn vị tàu ngầm hiện nay.
Chính từ kinh nghiệm tổ chức, xây dựng, huấn luyện Hải đội 182, khi xây dựng lực lượng hiện nay chúng ta có khả năng đồng bộ hơn”. Đại tá Hoàng Ngọc Trác, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân chủng Hải quân, cũng là một trong những người được chọn đi Riga huấn luyện năm xưa nói rằng: “Cái rút kinh nghiệm nhất là khi ấy chúng ta chỉ có con người. Bây giờ, Việt Nam đang xây dựng lực lượng tàu ngầm toàn diện, từ cơ sở vật chất, kỹ thuật, các kíp cử đi học, và cả đội ngũ giáo viên huấn luyện trong tương lai”.
Cùng với việc ký hoạt động mua tàu Kilo, Việt Nam đã tổ chức các khung đi nhận, khi sang học tập tại Nga (Trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại Saint Petersburg - Liên bang Nga) với kíp tàu bao gồm cả chỉ huy cơ quan lữ đoàn, cơ quan kỹ thuật cấp trên, trung tâm huấn luyện tàu ngầm.
“Xây dựng đào tạo lực lượng quan trọng là con người. Phải là những người biết cống hiến cho sự nghiệp chung một cách vô tư, người ta mới có thể tiếp thu tốt nhất” - Đại tá Đinh Hải Huy, Thuyền phó chiến đấu 1 của Hải đội 182 năm xưa nhận định. Chính nền tảng con người ngày ấy đã tạo nên một kíp tàu xuất sắc. Nhiều người trong số họ sau này đã và đang cống hiến tiếp tục cho sự phát triển của lịch sử tàu ngầm Việt Nam.
Đại tá Đinh Hải Huy từ vị trí Thuyền phó chiến đấu 1 đã trở thành Trung đoàn trưởng (đầu tiên) của Trung đoàn tàu ngầm 196. Năm 2001, ông là Trưởng bộ môn Chiến thuật tàu ngầm, Khoa Chiến dịch chiến thuật của Học viện Hải quân. Ông cũng tham gia biên soạn giáo trình Chiến thuật tàu ngầm hiện đang sử dụng tại Học viện. Đại tá Phạm Tân, Đại tá Trần Văn Thịnh tham gia khảo sát, tham mưu trong việc đặt mua tàu ngầm Kilo hiện tại.
Như một mối duyên, chiếc tàu ngầm đầu tiên về Việt Nam mang tên Hà Nội, có số hiệu HQ-182. Từ mật danh Đoàn 682 đến Hải đội tàu ngầm 182 rồi tới 196, 189, chúng ta đã đi một chặng đường dài. Đó là sự tiếp nối và lớn mạnh không ngừng của Hải quân nhân dân Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét