Ngành ngân hàng không thiếu tiền và sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được
Đồng loạt “kích hoạt” các gói chính sách
Nền kinh tế thế giới đang trải qua một cuộc đại khủng hoảng chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra. Việt Nam may mắn có số người nhiễm bệnh rất thấp, chưa có ca tử vong, nhưng tác động đến nền kinh tế là rất lớn, trong đó người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh đang là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề.
Hiện nay, Chính phủ cùng các bộ ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… đang đưa là rất nhiều gói cứu trợ cho người lao động và nền kinh tế. Vấn đề bây giờ là khâu thực hiện, làm sao để những gói hỗ trợ này đúng và trúng, phát huy hiệu quả tốt nhất để giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch và vực dậy, hồi sinh sau dịch.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp thì trước tiên chúng ta phải xem họ thực sự cần cái gì? Cần cơ chế, cần tiền, hay cần những cái khác?
“Theo tôi, doanh nghiệp cần nhất là dòng tiền, tiếp đến là thanh khoản. Bây giờ tất cả công nợ, tư nợ cùng dồn dập đến, vậy họ lấy đâu ra tiền? Vì vậy, theo tôi các chính sách thiết kế phải nhắm vào cái này” - Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói. Theo quan sát của vị chuyên gia, sẽ cần tới 4 gói chính sách lớn được đưa ra, bao gồm: Gói tín dụng của các ngân hàng; Gói chính sách tài khóa (giảm, giãn tiền thuế, tiền thuê đất); Gói an sinh xã hội; và Gói phục hồi sau dịch.
Gói tín dụng lớn nhưng liệu có hấp thụ được?
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, gói tín dụng mà các ngân hàng đang đưa ra bao gồm 2 cấu phần: Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới; Giảm lãi, giảm phí. Trong đó, hiện nay một số ngân hàng đã cho phép cơ cấu lại nợ (tức là đến thời điểm phải trả nợ nhưng chưa cần phải trả) với thời hạn lên đến 1 năm; giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời gói cam kết cho vay mới đã lên tới 600.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, dù các ngân hàng cam kết gói cho vay mới lớn như vậy nhưng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu. Còn với gói giảm lãi, giảm phí, tính sơ bộ nếu các ngân hàng chỉ cần cho vay 300.000 tỷ với mức giảm lãi 1-2,5%, cùng với giảm phí, thì ít nhất hệ thống ngân hàng đã chia sẻ với các doanh nghiệp khoảng 28.000 - 30.000 tỷ đồng.
“Gói tín dụng này là tiền các ngân hàng làm ra chứ không phải ngân sách Nhà nước” - ông Lực nói và thông tin thêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thậm chí đã cho rằng, với các giải pháp trên, dự kiến năm nay nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên khoảng 3,7 - 4%.
Bàn về gói tín dụng của các ngân hàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là gói tín dụng rất lớn, tuy nhiên cũng phải xem xét xem ai sẽ được thụ hưởng. “Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang lao đao vì dịch bệnh liệu có vay được không, hay vẫn là những khách hàng “ngon” của ngân hàng, những đại doanh nghiệp mới vay được” - vị chuyên gia đặt câu hỏi. Ông cũng chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp trao đổi với tôi là, họ hỏi ngân hàng thì ngân hàng nói chờ hướng dẫn. Còn khi tôi hỏi ngân hàng thì nhận được câu trả lời là khó có thể cho vay vì doanh nghiệp đã đóng cửa một phần, khả năng trả nợ không chắc chắn”.
Thừa nhận vấn đề hấp thụ tín dụng của các doanh nghiệp hiện nay rất kém, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tổng dư nợ nền kinh tế đến ngày 10-4 đã giảm 0,8%, cho thấy lực hấp thụ vốn nền kinh tế đã giảm giảm. Các ngân hàng cho vay mới 180.000 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng 0,1%; còn thương mại, dịch vụ, du lịch và vay tiêu dùng giảm; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,6%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngành ngân hàng đã vào cuộc tích cực, với tinh thần là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí, các ngân hàng phải tiết kiệm chi phí, giảm lương, thậm chí tạm thời không chia cổ tức, chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, gói 300.000 tỷ của ngành ngân hàng phát đi thông điệp ngân hàng không thiếu tiền, vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế.
“Ngân hàng phải huy động vốn của người dân chứ không phải tiền ngân sách. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với ngành ngân hàng để rà soát đánh giá những dự án mới, hướng đi mới, cơ cấu lại chính mình. Nếu doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo thì phải có kế hoạch kinh doanh tốt, ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền thì chắc chắn không ngân hàng nào không cho vay. Còn nếu không thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tới 1 năm đã là “đặc ân” rồi” - ông Hùng nói.
Thời điểm vàng để giảm thuế cho doanh nghiệp
Gói chính sách thứ hai mà các chuyên gia nhắc đến là gói chính sách tài khóa do Bộ Tài chính đã đưa ra, theo đó sẽ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng. Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, đối với gói gia hạn thuế, tiền thuê đất này Chính phủ vẫn sẽ thu vào cuối năm, nhưng cái mà Chính phủ hy sinh là tiền lãi, tiền phạt chậm nộp trong số tiền gia hạn này. “Nếu chỉ tính theo lãi suất ngân hàng thôi thì ngân sách sẽ giảm khoảng 5% số tiền thuế này” - vị chuyên gia tính toán.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc giãn, hoãn thuế thì cần “kích hoạt” thêm nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa khác. Vì trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục “đóng cửa”, vì vậy họ sẽ chẳng có doanh thu mà nộp thuế. Theo đề xuất của Tiến sỹ Cấn Văn Lực, cái mà Chính phủ cần hỗ trợ ngay hiện nay là giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tôi nghĩ năm nay là thời điểm vàng để làm điều này, từ thời điểm 1-1-2010 cần giảm ngay xuống 15 - 17% tùy quy mô doanh nghiệp. Tính sơ bộ, nếu giảm như vậy ngân sách sẽ giảm thu khoảng 15.600 tỷ đồng” - ông Lực nêu ý kiến. Ngoài ra, vị chuyên gia cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng quan trọng, tương đương thu ngân sách sẽ giảm 46.000 tỷ đồng.
Đồng quan điểm với Tiến sỹ Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, việc giảm thuế cho doanh nghiệp không có nghĩa ngân sách Nhà nước sẽ mất. “Ví dụ Nhà nước thu thuế 20%, nay giảm 3%, cái này doanh nghiệp sẽ “ném” vào sản xuất kinh doanh. Nếu năm nay doanh thu doanh nghiệp 100 tỷ, sang năm tăng lên 150 tỷ, thì ngân sách thu lại vẫn cao hơn. Đây chính là nuôi dưỡng nguồn thu, phải tư duy như thế” - ông Thân nói.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắc đến gói chính sách là gói an sinh xã hội với 62.000 tỷ đồng, gói giảm phí viễn thông 15.000 tỷ, gói giảm giá điện 12.000 tỷ. “Sơ sơ như thế ngân sách đã hy sinh khoảng 2,5% GDP để đồng hành cùng doanh nghiệp, đó là con số cực lớn” - Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói. Ngoài ra, theo các chuyên gia, Chính phủ cũng cần nhanh chóng tính toán gói hỗ trợ phục hồi sau dịch.
“Làm sao để doanh nghiệp phục hồi sau dịch, cái này rất quan trọng. Mỹ vừa công bố gói kế hoạch 3 giai đoạn, tôi đã tham khảo và thấy cực kỳ hay, rất cụ thể, bao gồm Chính phủ làm gì, doanh nghiệp làm gì, người dân làm gì. Nếu gộp 4 gói này thì chúng ta sẽ có gói chính sách chưa từng có trong lịch sử” - Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết.
Dù vậy, để các gói chính sách phát huy hiệu quả thì cần sự vào cuộc tích cực của các bên, từ Chính phủ xuống doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ phải có thiết kế, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết mà theo chuyên gia Cấn Văn Lực “vì là cái mới, ta vừa làm vừa sửa, không sao cả”. Còn phía tổ chức tín dụng, thuế, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin. “Tôi đã đề xuất Chính phủ áp dụng mobile money, chỉ cần số điện thoại, một ví điện tử thì tiền sẽ đến được người dân” - ông Lực nói.
Thứ ba là doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi, phải công khai minh bạch, bắt tay ngân hàng, thuế, đồng thời hiến kế cho các hiệp hội vì “không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính doanh nghiệp”. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 này, thế giới sẽ thay đổi cực kỳ lớn, doanh nghiệp Việt cũng phải nhanh chóng thay đổi, áp dụng tự động hóa, thương mại điện tử, fintech, giáo dục e-leaning… Các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch sẽ là một cơ hội rất tuyệt vời cho Việt Nam khi chúng ta đã “ghi điểm” trong việc kiểm soát dịch bệnh, trong đó chúng ta sẽ là điểm đến của du lịch, đầu tư nước ngoài.
Sau đại dịch Covid-19 này, thế giới sẽ thay đổi cực kỳ lớn, doanh nghiệp Việt cũng phải nhanh chóng thay đổi, áp dụng tự động hóa, thương mại điện tử, fintech, giáo dục e-leaning… Các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch sẽ là một cơ hội rất tuyệt vời cho Việt Nam khi chúng ta đã “ghi điểm” trong việc kiểm soát dịch bệnh, trong đó chúng ta sẽ là điểm đến của du lịch, đầu tư nước ngoài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét