Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Trao truyền khát vọng độc lập, kiên cường giữ nước từ khi chưa nguy

ảnh 1

Triết lý vĩnh hằng của cả dân tộc

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập”. Thời hạn dành cho Người rất gấp, chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 ngày, từ 28 đến 30-8-1945. Trước hết, bản Tuyên ngôn phải trực tiếp bảo vệ thành quả đầu tiên nhưng quan trọng bậc nhất của một cuộc cách mạng xã hội, đó là vấn đề chính quyền. Nó phải đảm trách “tuyên bố” một cách công khai và rộng rãi về sự ra đời của một chính quyền hoàn toàn mới, độc lập và đối lập với chế độ cũ.

Bản Tuyên ngôn cũng phải được công bố vào một thời điểm sớm nhất có thể, không những tạo cho Chính phủ lâm thời vị thế chủ nhà trước khi quân Đồng minh kéo vào, mà còn góp phần cảnh báo, ngăn ngừa từ xa mọi mưu đồ định lợi dụng chiêu bài giải giáp quân Nhật để thủ tiêu các thành quả cách mạng. Mục tiêu đó đã được thực hiện vào ngày 2-9-1945, trước hàng chục vạn người đủ các tầng lớp cả trong nước và nước ngoài tại cuộc mít tinh trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. 

Tuyên ngôn độc lập đã trở thành văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bằng những lý lẽ sắc bén, lập luận đanh thép và lời văn hùng hồn, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định dứt khoát quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất cứ dân tộc nào khác “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Không những thế, Tuyên ngôn độc lập còn nâng tầm khát vọng và ý chí thiêng liêng ấy bằng việc cung cấp cho nó những luận chứng và luận cứ khoa học xác đáng, đưa nó trở thành một giá trị đặc trưng, cốt lõi và bất khả khuất phục của dân tộc Việt Nam. Từ đánh giá ý tưởng trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ cho tới Tuyên ngôn nhân quyền và quyền của công dân nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn khi đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Chính phương cách “suy rộng ra” ấy đã đem đến sự khác biệt. Bởi theo đó, vấn đề tự do, độc lập không còn dừng lại ở các quyền tự do cá nhân mà phát triển thành các quyền dân tộc cơ bản. Vấn đề độc lập dân tộc cũng không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà trở thành vấn đề chung của cả nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới - Thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh phức tạp “thù trong, giặc ngoài”, đi liền với tuyên bố quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới, Tuyên ngôn độc lập cũng khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tiếp nối ý chí kiên cường

74 năm đã trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện lời thề mà Người đã khẳng định trong ngày lễ độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thành tựu to lớn. Đặc biệt trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại... 

Tuy nhiên, đất nước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh biển đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới.  

Trước tình hình phức tạp đó, văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển bền vững đất nước”, “Có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.

Lập trường kiên quyết, kiên trì của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo chính là sự nối tiếp và tỏa sáng ý chí kiên cường bất khuất, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho 20 triệu đồng bào tuyên bố trước toàn thể thế giới tại quảng trường Ba Đình lịch sử năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Để có thể giữ nước từ khi chưa nguy, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên Biển Đông, phải thực hiện cho bằng được “Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”. Sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, đối ngoại; là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.  

Năm tháng sẽ trôi qua nhưng Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn sống mãi không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bản tuyên ngôn nổi tiếng nhất thế giới. Nó mãi mãi là một áng hùng văn bất hủ, là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học để chúng ta vận dụng vào quá trình hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng và bảo vệ thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

49 câu, 1.010 chữ đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân Thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. 

Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, là một kiệt tác, một áng văn lập quốc vĩ đại. Bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ có 49 câu, với 1.010 chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa và sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, bản Tuyên ngôn Độc lập còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) và đặt cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, quyền con người ở Việt Nam vào dòng chảy của trào lưu tiến bộ trên toàn thế giới.

Quan điểm độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập là ở chỗ, Người đã gắn quyền con người vào quyền của dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai cũng là cuộc đấu tranh vì nhân quyền - quyền độc lập tự do của mỗi dân tộc. Do đó, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nước ta. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo là sự thống nhất biện chứng của các thành tố làm nên một thể thống nhất: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giai cấp và giải phóng con người.

Thư Kỳ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét