Văn hóa kỷ luật giúp start-up tập trung vào các yếu tố cốt lõi, tạo ra nội lực để phát triển bền vững, bởi vậy, cần được chú trọng xây dựng từ những ngày đầu thành lập.
Đồng hành cùng nhiều start-up trên hành trình phát triển, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia của Genesia Ventures Việt Nam nhìn nhận, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng start-up thành công là tính kỷ luật.
Start-up, đặc biệt là start-up ở giai đoạn sớm, luôn phải đối mặt với áp lực nguồn lực hạn chế, đi cùng với áp lực tăng trưởng nhanh. Điều này khiến start-up không nên và không thể lãng phí nguồn lực tài chính, thời gian vào những điều không tạo ra giá trị cho mục tiêu tăng trưởng. Để làm được như vậy, start-up cần sự kỷ luật.
“Kỷ luật là cách tốt nhất để tạo ra sự tỉnh táo, tập trung”, bà Kim Dung khẳng định.
Những vấn đề thực sự quan trọng đối với mỗi start-up là tầm nhìn, giá trị cốt lõi, cột mốc phát triển theo từng giai đoạn, đội ngũ, sản phẩm và khách hàng. Sự kỷ luật sẽ giúp bất kỳ quyết định nào của start-up cũng đều hướng vào những yếu tố quan trọng này. Tính kỷ luật giúp start-up quản lý thời gian, quản lý tài chính, quản lý nhân lực hiệu quả hơn khi thực thi, triển khai bất kỳ hoạt động nào.
Đại diện Genesia Ventures Việt Nam dẫn lại một khái niệm trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins, mà bà tin rằng, có thể áp dụng cho tất cả cá nhân và tổ chức, bao gồm các start-up ở giai đoạn sớm với nguồn lực hạn chế, để có thể bứt phá, phát triển tầm nhìn dài hạn.
Cụ thể, tác giả Jim Collins nhấn mạnh 3 thành tố quan trọng nhất để xây dựng “bánh đà” phát triển của doanh nghiệp, đó là: “disciplined people” - con người kỷ luật, “disciplined thought” - suy nghĩ kỷ luật và “disciplined action” - hành động kỷ luật.
Trên thực tế, chỉ những nhà lãnh đạo kỷ luật mới có khả năng tạo ra văn hóa kỷ luật trong công ty của họ. Do đó, bản thân các nhà sáng lập cần là tấm gương với sự kỷ luật nhất quán của mình. Từ đó, họ mới có thể thu hút, tuyển dụng được những người có tinh thần kỷ luật, cùng định hình nên một tổ chức là tập thể của những con người kỷ luật.
Một khi có được tiền đề này, start-up mới thực sự tăng cường tính hiệu quả trong việc: tránh được rủi ro tuyển sai người; giảm lãng phí nguồn lực vào quản lý con người (vì những người kỷ luật sẽ biết họ cần phải làm gì, hướng đến cái gì); tập trung vào những điều quan trọng nhất, giúp nâng cao hiệu suất, hướng tới đạt được mục tiêu của start-up .
Start-up với những nhà sáng lập, đội ngũ lãnh đạo trong một tập thể có kỷ luật, sẽ mang theo suy nghĩ kỷ luật nhất quán với mục tiêu của mình, để sẵn sàng đối mặt với thực tế dù khốc liệt nhất và không đánh mất niềm tin, tầm nhìn của mình.
“Giống như một chú nhím, có thể làm tốt một điều - cuộn tròn như một quả bóng để tự bảo vệ mình. Nhím không để mình sa lầy vào sự phức tạp. Tất cả những gì nhím thấy là một mục tiêu duy nhất và họ tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu đó”, bà Dung ví von.
Những nhà sáng lập có kỷ luật với những đồng đội kỷ luật, có những suy nghĩ kỷ luật sẽ cùng nhau định hình văn hóa tổ chức có kỷ luật tại start-up. Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy hiệu suất theo cấp số nhân để start-up có thể tận dụng thế mạnh công nghệ của mình làm đòn bẩy, liên tục tập trung mở rộng hiệu quả và phát triển.
Con người kỷ luật, suy nghĩ kỷ luật và hành động kỷ luật là 3 yếu tố quan trọng, là động lực để tạo ra hiệu ứng “bánh đà”, giúp start-up xây dựng và duy trì được nội lực mạnh mẽ, tập trung vào những điều quan trọng để phát triển bứt phá.
Đại diện Genesia Ventures Việt Nam cho rằng, có thể, start-up sẽ cần nhiều năm bền bỉ, nhất quán để đưa bánh đà tăng tốc, nhưng một khi bánh đà đã quay, không điều gì có thể cản được sự phát triển mạnh mẽ của start-up.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét