Dù buộc phải cắt giảm nhân sự, start-up vẫn có nhiều cách để “kích thích” niềm tin và tinh thần làm việc, cống hiến hết mình của những nhân sự có cơ hội ở lại, tiếp tục đồng hành.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều start-up phải cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động. Theo đó, sẽ có những người phải rời đi, những người ở lại cũng có thể bị cắt giảm lương. Giải pháp này giúp start-up tiết giảm chi phí, giải quyết khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn chưa thực sự kết thúc. Vì hệ lụy của việc này là các nhân viên ở lại có thể bị giảm tinh thần “chiến đấu” khi chứng kiến đồng đội phải rời đi và nhìn thấy công ty đang gặp khó, loay hoay tìm đường...
Carousell - start-up kinh doanh rao vặt thành công tại Singapore trong nỗ lực giảm chi phí, mới đây đã cắt giảm 110 nhân viên, tương đương 10% tổng lực lượng lao động.
Siu Rui Quek, đồng sáng lập, kiêm CEO Carousell thừa nhận đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi quá lạc quan về tốc độ tăng trưởng so với mức tăng đầu tư của Công ty cũng như việc tăng quy mô nhóm quá nhanh.
Các nhân viên bị ảnh hưởng từ đợt sa thải này của Carousell sẽ nhận được hỗ trợ nhiều nhất có thể. Nhân viên chính thức bị cắt giảm được nhận 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc. Mọi nhân viên bị ảnh hưởng sẽ nhận được ít nhất 3 tháng bồi thường.
Bên cạnh đó, họ cũng nhận được quyền lợi y tế và bảo hiểm, cũng như quyền lợi cho những người phụ thuộc của họ, cho đến ngày 30/6/2024, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các công ty bảo hiểm và nhà cung cấp dịch vụ y tế.
Tại Việt Nam, Selly (nền tảng bán hàng không cần vốn) cũng phải đối mặt với quyết định khó khăn khi cắt giảm 30% chi phí nhân sự, nhưng không theo cách thông thường.
Ông Thống Lê Anh Tuấn, Nhà sáng lập, kiêm CEO Selly nhấn mạnh, đầu tiên, những người ở lại cần có đủ niềm tin vào Công ty. Vị CEO này đã gợi nhắc mọi người về tầm nhìn, sứ mệnh của start-up và chia sẻ bản kế hoạch phát triển của Công ty với các nhân viên. Đặc biệt, các nhân viên ở lại từ cấp bậc quản lý trở lên cần có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng phát triển của Công ty và giữ được lửa “chiến đấu”.
Dựa trên niềm tin mạnh mẽ đó, để bù đắp cho khoản lương thưởng bị cắt giảm, họ có thể nhận được quyền mua ESOP (cổ phiếu dành cho người lao động) đặc biệt từ Công ty.
Các nhà đầu tư vào Selly cho rằng, đây là cách giúp Selly gia tăng động lực của những thành viên cốt cán ở lại. Một khi có đủ niềm tin vào tiềm năng phát triển của Công ty, họ sẽ hiểu được giá trị ESOP của doanh nghiệp. Khi đó, họ sẽ càng chủ động, tích cực cống hiến để đưa Công ty tiến về phía trước, góp phần làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp, theo đó là giá trị của ESOP mà họ được nhận sau này.
Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện. Bởi trên thực tế, ở các hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng, rất ít người có thể hiểu và có đủ niềm tin vào giá trị ESOP của start-up. Do đó, nhà sáng lập Selly đã suy nghĩ thấu đáo để các nhân sự cảm thấy an toàn và tin tưởng ở lại, tiếp tục phấn đấu bằng những cam kết cụ thể.
Cụ thể, nhân viên có thể lựa chọn ngừng mua ESOP và nhận toàn bộ lương, thưởng khi Công ty đạt được lợi nhuận dương ở một mức tối thiểu, liên tiếp trong 3 tháng. Tiếp theo, họ có thể yêu cầu Công ty mua lại ESOP của mình sau khi Công ty hoàn thành gọi vốn ở vòng tiếp theo.
Có thể nói, cách làm này của Selly là một “phép thử” vô cùng quan trọng đối với những người ở lại, với niềm tin, sự hy sinh và sự lăn xả cần có của họ. Những người ở lại với niềm tin mạnh mẽ, nguồn năng lượng tích cực chính là động lực vô cùng quan trọng để đưa Công ty tiến về phía trước, tối ưu lợi nhuận, phát huy được tiềm năng của start-up.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét