Chặng đường hơn 760 ngày đợi hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt An (Nghệ An) có thể sẽ dừng lại. Doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp cùng cảnh ngộ lại đặt tiếp kỳ vọng, sau rất nhiều lần kiến nghị, cả trực tiếp lẫn theo đường công văn, tới rất nhiều nơi.
Chính phủ đã giao đích danh Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn giúp doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Đây là một trong rất nhiều chỉ đạo cụ thể đầu việc, thời hạn và địa chỉ rõ ràng mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Không chỉ vấn đề hoàn thuế, các vướng mắc về tiếp cận vốn, trong tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy đã được ghi nhận.
Bên cạnh đó, các vướng mắc trong cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện, đề nghị giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023, hay những bất cập về tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản… đều được ghi nhận chi tiết.
Đây không phải lần đầu, các nội dung nói trên được đề cập, nhưng lần này, doanh nghiệp chia sẻ, họ đặt niềm tin mạnh mẽ hơn.
Thứ nhất, hành trình khó khăn, mòn mỏi để lấy lại tiền của các doanh nghiệp đã được ghi nhận đầy đủ, trực diện trong các báo cáo của các bộ, ngành, Chính phủ và cả Quốc hội. Trong phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã phải đặt câu hỏi rằng, doanh nghiệp có sống được không khi tiếp cận vốn rất khó khăn, tiền hoàn thuế lại kéo dài đến mấy năm…
Thứ hai, lần này, trong Nghị quyết, Chính phủ đã xác định với các bộ, ngành, địa phương là không đùn đẩy, không kéo dài công việc, không làm lỡ thời cơ, cơ hội để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí nguồn lực. Thậm chí, Chính phủ chỉ đạo rất rõ là sẽ thay thế hoặc điều chuyển những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao…
Không chỉ các vướng mắc cụ thể được đề cập, Nghị quyết 105 đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị phương án sửa đổi, thay thế, bãi bỏ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023. Đặc biệt, Bộ cũng phải báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2023 nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Rõ ràng, khi mục tiêu tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được đặt song hành với việc xử lý cơ bản những khó khăn, vướng mắc, vũng như thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thì các giải pháp sẽ khả thi hơn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn chia sẻ, khó khăn mà họ phải gánh đã quá sức chịu đựng. Với trường hợp Tập đoàn Đầu tư Việt An, sự tồn tại của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu này đã được đặt ra khi số tiền mà doanh nghiệp nộp trước, đợi hoàn sau là trên 27 tỷ đồng, cho dù việc nộp hồ sơ xin hoàn thuế thực hiện từ giữa năm 2021. Song, đây chưa phải là con số lớn nhất. Do vậy, có doanh nghiệp đã phải tạm dừng xuất khẩu.
Lúc này, bên cạnh các giải pháp, có lẽ cần thêm cơ chế giám sát thực thi, với sự tham gia phản biện, tư vấn của các đơn vị tư vấn chính sách độc lập, các chuyên gia cao cấp, các hiệp hội và giới truyền thông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét