Thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, tránh điểm cao vẫn trượt
Để tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình và sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần (công thức tính mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường).
Ảnh minh hoạ. |
Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực.
Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Vì thế, điểm chuẩn các ngành hot khả năng giảm nhẹ vì chính sách cộng điểm mới này. Nắm chắc được cách tính điểm ưu tiên mới, thí sinh sẽ có thêm cơ sở để đăng ký nguyện vọng 1.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, bởi thời điểm này mới là đăng ký nguyện vọng chính thức.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, hệ thống giúp thí sinh xác định trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên nhất. Thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng là nguyện vọng mà các em đặt lên cao nhất.
Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4. Đây là quy định nên thí sinh phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi quyết định đăng ký.
Theo đó, các em cần tận dụng thật tốt cơ hội mà chính sách tuyển sinh mang lại để trúng tuyển vào ngành học, trường học yêu thích, phù hợp nhất.
Lưu ý, nếu các em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội và muốn trúng tuyển vào đó thì phải đặt nguyện vọng 1. Với số nguyện vọng không giới hạn đăng ký cho phép thí sinh có rất nhiều cơ hội để có thể trúng tuyển đại học.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, để tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình.
Các bạn học sinh cần cân nhắc thật kỹ, chọn ngành trước sau đó tìm hiểu các trường có đào tạo chuyên ngành đó để dễ có nhiều phương án lựa chọn.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội khuyến nghị, việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu kỹ thông báo, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Sau đó, tập trung nghiên cứu chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển.
Khi lựa chọn được ngành học, trường học yêu thích, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng mà thí sinh yêu thích và mong muốn được trúng tuyển nhất.
“Các em có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất - Nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Nhóm thứ hai, vừa sức với mình. Nhóm thứ ba, dưới năng lực cá nhân một chút để đề phòng rủi ro”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh tư vấn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 10/7 đến ngày 30/7, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Theo đó, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh hình thức đăng ký xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh, nhằm tránh nhầm lẫn, bỏ sót. Cụ thể, thí sinh chỉ đăng ký theo mã tuyển sinh (trường, nhóm ngành, ngành hoặc chương trình), không cần đăng ký theo tổ hợp và mã phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ dựa trên dữ liệu điểm thi thí sinh có để xét tuyển.
Đặc biệt, với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng.
Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành, trường đó. Khi đã có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, được các cơ sở đào tạo đưa lên hệ thống, nếu thí sinh lựa chọn và muốn chắc chắn trúng tuyển ngành đó, thí sinh cần đăng ký ngành đó vào nguyện vọng 1.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục va Đào tạo.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng tỉ lệ này thấp so với các năm qua. "Có thể do thí sinh đang băn khoăn nhưng cũng không loại trừ trường hợp thí sinh vẫn hiểu lầm khi đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng khẳng định muốn trúng tuyển vào bất cứ đại học nào, vào bất cứ ngành nào, thí sinh đều phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Đây là điều bắt buộc nên thí sinh, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.
Thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
"Những thí sinh đã có thông báo trúng tuyển sớm cần đăng ký xét tuyển nguyện vọng đó trên hệ thống chung của Bộ. Thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển", bà Thủy nói.
Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng cần cân nhắc việc sắp xếp thứ tự và luôn nhớ nguyên tắc là đặt nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn nhất là nguyện vọng 1 vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất.
Việc cân nhắc ngành/trường trước khi đăng ký là cần thiết nhưng mỗi thí sinh cần chủ động, không nên chờ đến tận ngày cuối, giờ cuối mới truy cập hệ thống vì dễ xảy ra chậm muộn vì những nguyên nhân khách quan.
Theo quy định, trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển. Năm nay, thí sinh cần lưu ý để nhận kết quả trúng tuyển và nhập học trên hệ thống theo đúng thời gian quy định.
Trước 17h ngày 6/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung vào các đợt xét tuyển tiếp theo của các trường đại học.
Đối với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác, nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.
Từ ngày 7/9 đến tháng 12/2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.
Các cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước 31/12/2023.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét