Không chỉ doanh nghiệp, các địa phương cũng than môi trường kinh doanh quá khó
38 địa phương, 12 bộ, ngành đã gửi phản hồi về những khó khăn của môi trường kinh doanh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” do CIEM tổ chức sáng 6/7 |
Thông tin được bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cung cấp tại Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp”.
Đây là các ý kiến phản hồi văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp cuối tháng 5/2023, để nhận diện các bất cập, khó khăn của môi trường kinh doanh. Ngoài các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được ý kiến của 12 bộ, ngành.
“Trước đây, khi gửi các văn bản tương tự, chúng tôi thường chỉ nhận được các ý kiến kêu khó từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những rào cản trong môi trường kinh doanh không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà đang gây khó cho cả cơ quan quản lý, các cấp thực thi ở địa phương”, bà Thảo nhận định.
Đây cũng là các vướng mắc mà doan nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan tham mưu cho Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh.
Phát biểu tại Hội thảo sáng nay, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành, nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, trong đó có những rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan.
Theo Thứ trưởng, môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Đặc biệt, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo |
“Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đông nhận định.
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ khôi phục Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.
"Chủ tọa Hội thảo đề nghị các đại diện hiệp hội nói ngắn gọn, nhưng vấn đề quá nhiều, có những vướng mắc đã nói nhiều lần, nhưng vẫn chưa giải quyết được, mà các hội thảo như thế này thì 2 năm nay mới lại có. Chúng tôi chỉ mong gửi được hết các vướng mắc của doanh nghiệp tới Chính phủ", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói.
Tham dự và lắng nghe toàn bộ ý kiến của doanh nghiệp tại Hội thảo sáng nay, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp gửi toàn bộ vướng mắc, chi tiết từng điều khoản, văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
"Chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành rà soát để cắt giảm điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đề xuất xem xét, sửa đổi các quy định đang gây vướng mắc cho hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Toàn bộ vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được chúng tôi tổng hợp vào phụ lục để đảm bảo không bỏ sót vướng mắc nào", ông Đông nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông cho biết, việc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện với trách nhiệm giải trình rõ ràng, để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nắm rõ vì sao các ý kiến được tiếp thu, chưa được tiếp thu...
Đặc biệt, thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn tất Dự thảo Nghị quyết về cải thiện trường môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để trình Chính phủ trong tháng 9/2023.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về Nghị quyết riêng về cải thiện trường môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét