Tính độc quyền bán cao, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy gần đây.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS cho rằng, thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng. |
Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), sáng 27/6, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) công bố nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”.
Tính độc quyền bán cao, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng
Phát biểu tại lễ công bố kết quả nghiên cứu, Giám đốc VESS, ông Nguyễn Đức Thành cho biết: "Thị trường xăng dầu trong nước có tính độc quyền rất cao, thể hiện ở 4 doanh nghiệp hàng đầu chiếm trên 80%".
Các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP được xem như nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh.
Nhưng, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.
Cụ thể, các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp mà do điều kiện lịch sử đã bao trùm cả chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ, làm giảm sức hút gia nhập trên các phân đoạn thị trường cũng như tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng một phân đoạn hoặc trên toàn bộ thị trường.
"Hệ quả là, thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy trong một số diễn biến gần đây, mục đích chính của quản lý thị trường đã không đạt được", ông Nguyễn Đức Thành khẳng định.
Cùng đó, cơ chế hiện hành nhằm thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia đang đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp đầu mối, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp này vì họ phải gánh chịu hoàn toàn các chi phí liên quan. Gánh nặng này cuối cùng được chuyển lên vai người tiêu dùng cuối cùng.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tổng mức dự trữ xăng dầu Việt Nam hiện đang ở mức khiêm tốn (khoảng 65 ngày nhập ròng) là khá thấp so với tiêu chuẩn dữ trữ xăng dầu quốc gia của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) (90 ngày nhập ròng). Mức dự trữ này khó có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất ngờ.
Vẫn nặng gánh thuế, phí
Tại Việt Nam, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8%-10%) và bảo vệ môi trường. Chỉ trong vòng hai tháng (12/4/2022 đến 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục sáu lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít).
"Việt Nam có cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu tương đối khác biệt so với một vài quốc gia lớn trên thế giới, trong khu vực, và là một số ít các quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu, cũng là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu", Nghiên cứu chỉ rõ.
Dù có giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia..
Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất.
Do đó, theo nhóm nghiên cứu, chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu thế biến động bất thường như hiện nay.
Theo nghiên cứu của VESS, các quy định về kinh doanh xăng dầu hiện hành khá chặt chẽ, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, sự an toàn trong lao động và kinh doanh.
Tuy nhiên các chính sách này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm giảm bớt tính cạnh tranh của thị trường, thông qua việc duy trì các rào cản gia nhập thị tường của các doanh nghiệp mới, duy trì lợi ích của các nhóm doanh nghiệp đã tồn tại trong thị trường vì lý do lịch sử.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất là cần cải cách thị trường xăng dầu dựa trên hai định hướng lớn. Thứ nhất là tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn.
Thứ hai, cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinnh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).
Việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu giúp chính phủ đảm bảo an ninh năng lượng, giúp ổn định kinh tế thị trường do xăng dầu là một trong những chi phí đầu vào quan trọng cấu thành lên giá của các sản phẩm khác. Nhưng, theo nhóm nghiên cứu, việc kiểm soát giá xăng dầu có thể gây ra tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ có thể bị thua lỗ, buộc phải đóng cửa, rút khỏi thị trường do giá xăng dầu cơ sở không sát với giá thực tế của doanh nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét