Sốt ruột với khó khăn của doanh nghiệp: Cần nhất lúc này là giải pháp hữu hiệu
Cho tới thời điểm này, điều mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp muốn chia sẻ không còn chỉ là thực trạng, tình hình và những khó khăn...
Giai đoạn này, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp đã được nhận diện rất cụ thể. Ảnh: Đức Thanh |
“Rất sốt ruột”
Đó là chia sẻ của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) với phóng viên Báo Đầu tư về những khó khăn đang hiện diện trong nền kinh tế. Số liệu cập nhật tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu đáng lo ngại, trong khi nhiều giải pháp chính sách vẫn trong tình trạng chậm trễ, không giải ngân hết, tiếp cận khó...
“Tôi đã chuẩn bị một số nội dung để đưa ra thảo luận tại hội trường, như phải làm rõ tại sao các doanh nghiệp, hợp tác xã lại khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, đến mức doanh nghiệp thì thiếu vốn mà gói hỗ trợ hầu như không giải ngân được. Có thể chuyển nguồn để tăng hiệu quả nguồn vốn này không? Tương tự, có thể chuyển vốn đầu tư công từ dự án thiếu điều kiện sang các dự án có điều kiện giải ngân để đẩy nhanh tiến độ không? Tháo gỡ thế nào cho các dự án bất động sản. Giải ngân không đạt, vốn không đến được doanh nghiệp thì làm sao có tăng trưởng được...”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng sốt ruột.
Ông Thắng nói thêm: “Tôi sẽ đăng ký thảo luận sớm, hy vọng được phát biểu, vì chắc chắn sẽ có nhiều đại biểu muốn tham gia”.
Trong cuộc thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội tuần trước, ông Thắng cũng dành khá nhiều thời gian để nhìn nhận sâu hơn các khó khăn, vướng mắc hiện hữu, nhất là khi cả Trung ương, Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng rất quyết liệt, có nhiều giải pháp cụ thể, có nhiều chỉ đạo, nhiều buổi làm việc, thành lập nhiều tổ công tác để đôn đốc, nhưng tốc độ vẫn chậm.
“Ngoài ý thức trách nhiệm, cũng có lý do giai đoạn vừa rồi, nhiều cán bộ bị phê bình, xử lý, nên nhiều người có tâm lý quá cầu toàn; cũng có nhiều nơi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tình trạng dưới hỏi trên, trên trả lời chung chung... Không thể kéo dài mãi tình trạng này, phải có giải pháp, phải làm rõ trách nhiệm rất cụ thể và quan trọng là phải có kết quả”, ông Thắng thẳng thắn.
Thực ra, đây không phải là nỗi lo mới, cũng không phải là giải pháp mới, các doanh nghiệp đã nhiều lần lên tiếng vì “không biết ứng xử thế nào”.
Trong Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nhiều năm qua, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về điều này luôn lớn. Trong lần khảo sát gần nhất, thực hiện năm 2022, công bố vào tháng 4/2023, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể, trong năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành, thì tới năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp than phiền là 45,2%. Tương tự, 50,4% doanh nghiệp cho rằng, “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, cao hơn đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2021 (36%). Thậm chí, có tới 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát chọn phương án khó dự đoán, không dự đoán được việc thực thi của địa phương với các cơ chế, chính sách, pháp luật của Trung ương.
Lý giải, VCCI từng nhận định, có nguyên nhân sâu xa từ những tồn tại trong hệ thống pháp luật, như quy định còn chồng chéo, không rõ ràng, đang trong quá trình hoàn thiện... Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, có trách nhiệm của cán bộ thực thi.
“Sẽ phải làm rõ từng vướng mắc, vụ việc cụ thể để có cách tháo gỡ, không thể để chậm mãi được. Ví dụ, trường hợp nào dưới hỏi đúng mà trên không trả lời đủ để thực thi, hay trường hợp nào hỏi để né tránh trách nhiệm. Hay các dự án chậm giải ngân là do khâu nào, tại sao việc công bố giá vật liệu xây dựng ở các địa phương vẫn không sát với giá trị trường, làm ách tắc nhiều dự án...”, ông Thắng chia sẻ quan điểm.
Cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ các cơ quan chức năng gấp rút thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn để có thể cải thiện quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2023. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Doanh nghiệp không muốn than phiền nữa
Cho tới thời điểm này, điều mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp muốn chia sẻ không còn chỉ là những khó khăn nữa. “Giai đoạn này, khó nhất là giải pháp, vì thực trạng khó khăn của doanh nghiệp đều đã được nhận diện rất cụ thể. Chúng tôi chỉ mong những khó khăn đó sẽ kích hoạt được tư duy hành động hiệu quả cùng các giải pháp, cả cấp bách, cả trung và dài hạn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ sau báo cáo tình hình doanh nghiệp với những con số gây ám ảnh.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP.HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn. Đáng nói là, trong khó khăn, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả...
Cũng phải nhấn mạnh, trong các báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được ghi nhận. Đặc biệt, các giải pháp về thị trường vốn, giảm lãi suất, giảm thuế, thủ tục phòng cháy chữa cháy, chính sách visa, thúc đẩy đầu tư công… được nhắc đến với sự ghi nhận và đánh giá rất cao của doanh nghiệp.
Trong tuần qua, các doanh nghiệp rất trông đợi vào 2 công điện mới của Thủ tướng Chính phủ là Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Hàng loạt giải pháp và thời gian thực thi được đưa ra.
Nhưng thực tế cũng cho thấy, khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ, dẫn tới những lo ngại về tính khả thi của các giải pháp chính sách vẫn rất lớn.
Trong các đề xuất của doanh nghiệp về việc kéo dài thời gian của một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, như kéo dài thời gian giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng tới hết năm 2024, thay vì 6 tháng theo đề xuất của Chính phủ, đều có lý do là “nếu ngắn sẽ không hiệu quả”.
“Đây là chính sách được doanh nghiệp coi là hiệu quả và có tác động tích cực nhất trong năm 2022, nhưng cũng mất vài tháng đầu lúng túng trong thực thi. Hơn thế, khó khăn năm nay lớn hơn, sâu hơn, nên yếu tố thời gian cũng cần phải bàn, xác định lộ trình đủ dài để các chính sách phát huy hiệu quả rõ nét hơn”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế (VCCI) lý giải về kiến nghị của VCCI.
Cùng với đó, ông Thạch đề nghị Chính phủ dành nguồn lực để thực thi các giải pháp hiện có. “Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 vừa được ban hành cuối tháng 4/2023, có nhiều giải pháp cụ thể, cả ngắn hạn, dài hạn, cần được tập trung thực hiện ngay”, ông Thạch nói.
Trong Nghị quyết 58/NQ-CP, hàng loạt giải pháp rất cần được triển khai nhanh đã được xác định như tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất - kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường...
Rõ ràng, thực thi hiệu quả các giải pháp vẫn là yêu cầu mà doanh nghiệp đang trông chờ nhất.
Chia sẻ vướng mắc này, bà Thủy đề nghị thực hiện công bố công khai chính sách, thủ tục hành chính đảm bảo sự minh bạch và thống nhất trên toàn quốc; đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, để hạn chế tối đa sự tùy nghi trong thực thi, hoặc hạn chế việc tạo ra các cách hiểu khác nhau do không có các quy trình thống nhất toàn quốc.
Ví dụ, bà Thủy nói, liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp đang rất chờ đợi sau chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 470/CĐ-TTg, có thể tính tới cơ chế đặc biệt, ví dụ “cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
“Mục tiêu là tạo thuận lợi cho không chỉ doanh nghiệp, mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết chính sách, thủ tục hành chính”, bà Thủy phân tích.
Theo lịch trình, trong 2 ngày, 31/5 và 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét