Thông qua thương vụ mua cổ phần thương hiệu Thọ Phát, KIDO muốn trở thành tên tuổi lớn dẫn dắt thị trường bánh bao, vốn có tiềm năng sinh lời lớn, nhưng còn đang phân mảnh.
Mảng kinh doanh bánh bao được đánh giá là có mức sinh lời cao |
Bán bánh bao “phình”lợi nhuận
Tập đoàn KIDO (mã KDC) vừa hoàn tất giai đoạn I mua 25% cổ phần từ công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát, đồng thời tiếp tục khởi động quá trình thương thảo để nâng tỷ lệ này lên 51% và mức tối đa là 70%.
Thương vụ này nằm trong kế hoạch mà KIDO đã thông qua vào giữa tháng 4/2023. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết, việc đầu tư để nắm quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của KIDO trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm và trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu tại Việt Nam.
Thông qua thương vụ, KIDO đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2023, lợi nhuận dự kiến đạt 200 tỷ đồng. Đây là khoản đóng góp quan trọng cho tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của KIDO trong năm nay.
Cùng với dầu ăn và kem, thì kinh doanh bánh bao được coi là mảng kinh doanh rất tiềm năng đối với KIDO, sau khi tập đoàn này hoàn tất bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International vào cuối năm 2014.
Thời điểm đó, ông Trần Lệ Nguyên nhận định, mảng kinh doanh bánh bao có mức sinh lời cao. Thậm chí, Công ty phải xây thêm nhà máy thứ 2 ở Củ Chi (TP. HCM) để sản xuất, mục tiêu cung ứng ra thị trường 600.000 chiếc bánh bao mỗi ngày. Toàn bộ sản phẩm bánh bao sẽ được bán tại 60.000 tủ kem của KIDO trên cả nước.
Lý do “lấn sân” sang kinh doanh bánh bao của KIDO được ông Nguyên lý giải là, do Tập đoàn có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm, đồng thời, mảng này thuộc kênh đông lạnh, nên không “chạm” tới mảng bánh kẹo đã bán trước đó.
Đối với KIDO, cụ thể là công ty thành viên KIDO Foods (KDF), ngành hàng thực phẩm đông lạnh luôn mang đến kết quả tích cực. Khi giới thiệu cơ hội đầu tư thời điểm chuẩn bị IPO vào năm 2017, KDF rất tự tin vào triển vọng của mảng kinh doanh bánh bao, vì trên thị trường chưa có bất kỳ đối thủ nào chiếm lĩnh và cũng chưa có thương hiệu nổi bật trên khắp cả nước.
Trong giai đoạn tiếp theo, KDF được “phân công” phát triển mảng thực phẩm đông lạnh. Các dòng sản phẩm của KDF được nâng tầm, từ sản phẩm tráng miệng, sang các loại thực phẩm và giải pháp dinh dưỡng, mang lại động lực tăng trưởng cho Công ty.
Các dòng sản phẩm mới được định hướng giúp KDF mở rộng đối tượng khách hàng, chinh phục mục tiêu tiếp cận 85% dân số Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Tập đoàn KIDO với mong muốn được phục vụ người tiêu dùng thường xuyên hơn với nhiều lựa chọn sản phẩm hơn, trở thành thương hiệu không thể thiếu trong bữa ăn và bếp của mỗi gia đình Việt.
Dựa vào “ông lớn”
Khi công nghệ phát triển và thu nhập khả dụng tăng, người tiêu dùng sẽ có xu hướng giảm tần suất đi chợ, nấu ăn, làm việc nhà và dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Theo đó, những món ăn tiện lợi, dễ bảo quản trong tủ lạnh và chế biến nhanh được ưa chuộng hơn. Nhờ vậy, các dòng thực phẩm đông lạnh nói chung và món ăn chế biến sẵn nói riêng đều có khả năng “lên ngôi”. Đặc biệt, trải qua thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, người dân cũng hình thành thói quen tích trữ món ăn đông lạnh nhiều hơn.
Giới phân tích cho rằng, đối với thị trường bánh bao, lâu nay, các thương hiệu vẫn chinh phục khách hàng bằng tiêu chí rẻ, ngon. Nhưng muốn “níu chân” khách và giúp thương hiệu tồn tại lâu dài, các cơ sở sản xuất phải nâng cao dịch vụ và đảm bảo chất lượng.
Có thể thấy, xây dựng được thương hiệu đã khó, duy trì và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Với một thương hiệu có lịch sử tồn tại gần 4 thập kỷ, Bánh bao Thọ Phát dù đã có sự đầu tư mạnh mẽ cũng như phủ sóng thị trường, nhưng cũng phải tìm cách dựa vào “ông lớn” như KIDO.
Thương hiệu Bánh bao Thọ Phát thuộc quyền kiểm soát của Công ty Chế biến thực phẩm Thọ Phát, do ông Vũ Phước Thọ sáng lập từ tháng 9/2011. Hiện ông Thọ vẫn đang giữ chức Tổng giám đốc. Tháng 3/2023, công ty này vừa nâng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 78 tỷ đồng.
Có ý kiến đánh giá rằng, hiệu quả kinh doanh và vị thế của Thọ Phát đang tỷ lệ nghịch với quy mô đầu tư, vì kết quả kinh doanh thua lỗ.
Ông Vũ Phước Thọ từng chia sẻ, kinh doanh thực phẩm là ngành khá nhạy cảm vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, để có được thành công như bây giờ, Thọ Phát đã phải tìm cho mình một hướng đi riêng. Bên cạnh sự đa dạng về chủng loại, thì chất lượng, hương vị của sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.
Thực tế, để đủ sức cạnh tranh trong thị trường khốc liệt, các tên tuổi trong ngành thực phẩm luôn phải đi trước, hoặc bắt kịp xu thế tiêu dùng, chủ động đón nhận những thay đổi. Trong khi đó, muốn “giữ chân” người tiêu dùng, họ phải duy trì yếu tố truyền thống hòa quyện với cái mới.
Các thương hiệu lâu đời còn thường phải đối mặt với áp lực hiệu suất lớn hơn và nguy cơ “trôi dạt” thương hiệu hoặc mất giá thương hiệu cũng cao hơn. Chính vì nguyên nhân này, để có thể vượt qua thử thách và trụ vững trong giai đoạn kinh doanh đầy thách thức hiện nay, Thọ Phát phải tìm đến với thương hiệu như KIDO.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét