Để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi của mỗi địa phương, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã xây dựng các mô hình khuyến nông chất lượng và đạt hiệu quả cao.
Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm qua, Quỹ Khuyến nông đã tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và tiến tới xuất khẩu.
Giá trị sản phẩm của các phương án, dự án tăng từ 10 đến 30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông Thành phố. Thu nhập của các mô hình vay vốn Quỹ đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình điển hình đạt 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm, thậm chí 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ khuyến nông. Đây là điểm nhấn đặc biệt của khuyến nông TP.Hà Nội.
Mô hình sản xuất nho Hạ đen tại huyện Hoài Đức do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai từ năm 2021. |
Bên cạnh đó, về mặt xã hội, hoạt động của quỹ Khuyến nông cũng đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. Quỹ Khuyến nông đã góp phần nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.
Đồng thời, tạo ra việc làm cho hơn 10.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (tổng hợp theo số liệu báo cáo của các hộ vay vốn). Mặt khác Quỹ Khuyến nông ra đời đã góp phần làm giảm việc cho vay nặng lãi ở nông thôn thời điểm đó, giúp cho việc ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Thời điểm hiện tại Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung; 14.000 ha rau an toàn; 50 vùng trồng hoa chất lượng cao, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn.
Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.
“Để có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động khuyến nông Hà Nội trong thời gian qua.”, bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
Nhằm khai thác tối ưu tiềm năng diện tích mặt nước của Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã triển khai các mô hình như: Nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa.
Hộ dân xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy ứng dụng công nghệ nuôi cá "sông trong ao” cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. |
Việc xác định, lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả chính là đòn bẩy, khuyến khích nông dân trên địa bàn Thủ đô mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Trong 20 năm qua (2002 - 2022), tính đến hết năm 2022, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.300 lượt hộ vay vốn, trong đó Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất cho 3.979 lượt hộ vay vốn; Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển cơ giới hóa cho 321 lượt hộ vay vốn.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần hình thành một nền nông sản an toàn bền vững, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét