Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, có 34,3% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023.
Cùng với công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đó, Kết quả điều tra quý II/2023 cho thấy, có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Con số này đã tích cực hơn so với quý trước. Quý I/2023, chỉ có 24,3% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tốt hơn quý trước; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định và 38,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Trong khi đó, với câu hỏi về dự kiến quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Đơn đặt hàng, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong quý III/2023 |
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất, với 74,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2023. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 73% và 71,1%.
Về khối lượng sản xuất, có 28,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2023 tăng so với quý I/2023; 36,2% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 34,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.
Các chỉ số tương ứng của quý I/2023, đó là có 24,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng so với quý IV/2022; 35,7% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 39,4% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.
Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 34,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 39,8% số doanh nghiệp dự báo giảm và 25,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Trong khi đó, về đơn đặt hàng, có 24,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2023 cao hơn quý I/2023; 38,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 36,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm.
Trong quý I/2023, chỉ có 22,1% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng cao hơn quý IV/2022; 38,2% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 39,7% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm.
Còn về xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 32,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 41,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 26,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II/2023 so với quý I/2023, có 18,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 43,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, đã có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,2% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Như vậy, qua từng quý, xu hướng có vẻ nhích lên, dù khó khăn vẫn còn rất lớn, khi cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước còn yếu, đơn hàng cũng giảm.
Các dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy, tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ khá hơn trong quý III/2023.
Trong báo cáo vừa được công bố cách đây ít ngày, Standard Chatered cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý II, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 4,14%; 6 tháng, mức tăng trưởng là 3,72%. Nếu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khá lên, sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét