Báo Đầu tư tổ chức talkshow Chuyển đổi việc làm 2023: Trao cơ hội việc làm mới cho người lao động
Thị trường việc làm ảm đạm và số lao động bị mất việc, ảnh hưởng bởi công việc ngày càng gia tăng trong nửa đầu năm nay đã đặt ra thách thức trong việc hỗ trợ người lao động chuyển đổi việc làm bền vững.
Để chia sẻ các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục tình trạng này, Báo Đầu tư sẽ tổ chức talkshow trực tuyến với chủ đề: “Chuyển đổi việc làm 2023 - Cơ hội cho người lao động & doanh nghiệp” vào lúc 9h sáng ngày 16/6 và livestream trên các nền tảng online thuộc hệ thống Báo Đầu tư gồm Vir.com.vn, Baodautu.vn; Fanpage Báo Đầu tư; website và fanpage: Vieclamnhamay.vn và hoteljob.vn.
Báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 ngày 6/6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tuần trước, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, gần 510.000 lao động Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức về việc làm kể từ đầu năm nay.
Tình trạng các nhà máy và công xưởng "ngủ đông" đang dần trở nên trầm trọng, đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế và gây xáo trộn thị trường lao động.
Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, số lao động bị mất việc lên tới gần 280.000 người chỉ trong vòng 5 tháng, chiếm khoảng 55% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Trong khi số lao động bị giảm giờ làm khoảng 195.000 người, hơn 17.000 người phải nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người bị tạm hoãn hợp đồng.
“Doanh nghiệp thiếu đơn hàng do các thị trường xuất khẩu chủ yếu đều gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt khiến sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… Nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện với lượng hàng tồn kho lớn không thể xuất khẩu, trong khi cũng không có thêm đơn hàng mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tính tới thời điểm hiện đại, có hơn 8.600 doanh nghiệp tại Việt Nam phải cắt giảm lao động, trong đó 27,4% là doanh nghiệp FDI, 72,2% doanh nghiệp ngoài nhà nước và 0,4% là doanh nghiệp nhà nước. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất và lắp ráp các linh kiện điện tử.
Báo cáo từ MoLISA cũng chỉ ra các địa phương có đông lao động bị ảnh hưởng bởi việc đều là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước gồm Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.
Theo nghiên cứu thị trường lao động Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của nhiều nhóm ngành nghề trong nửa đầu năm 2023 giảm từ 18 - 43% so với giai đoạn trước dịch, tập trung chủ yếu trong các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất như dệt may và da giày, xây dựng và bất động sản, công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu, vận tải và logistics, hành chính, marketing, bán hàng.
Cần hỗ trợ kịp thời
Làn sóng sa thải lao động dự đoán sẽ còn tiếp diễn tới các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn đến từ nền kinh tế, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân dự báo trong báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023. Khoảng 5.200 trong số gần 9.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vẫn sẽ cắt giảm trên 5% lao động đến hết năm 2023.
Trong khi đó, báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của ILO cũng khẳng định việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm so với tốc độ tăng trưởng 2,3% của năm ngoái.
Thực trạng việc làm ảm đạm đã đặt ra bài toán với các đơn vị quản lý, đứng đầu là MoLISA, sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời để người lao động sớm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp họ chuyển đổi sang những việc làm phù hợp hơn.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được MoLISA xây dựng đã đề xuất bổ sung các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để giúp họ duy trì việc làm và hỗ trợ các lao động thất nghiệp được tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Ông Phạm Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) cho biết, Tổng cục cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua ký kết với nhiều tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và các cơ quan của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... để đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo.
“Các chương trình đào tạo nghề được thiết kế theo hướng tiếp cận nhu cầu của thị trường để giúp người học trang bị những kỹ năng doanh nghiệp cần. Chất lượng nguồn nhân lực từ đó sẽ được nâng cao, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động, có cơ hội tìm kiếm được việc làm chất lượng hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài”, ông Bình chia sẻ.
Mong muốn góp thêm sáng kiến và hiến kế để giải quyết những thách thức của ngành lao động, giúp người lao động tiếp cận cơ hội chuyển đổi việc làm hiệu quả hơn, Vietnam Investment Review (VIR) sẽ tổ chức talkshow chủ đề: “Chuyển đổi việc làm 2023 - Cơ hội cho người lao động & doanh nghiệp”. Diễn giả là các đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, trường đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng và tư vấn việc làm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét