Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng.
Xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực
Ngày 14/6, tại tỉnh Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì Hội nghị quan trọng về giáo dục tại Nam Định |
Tại đây đại diện các địa phương, ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục đại học vùng Đồng bằng sông Hồng chia sẻ kết quả giáo dục đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; đưa đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Đánh giá trong giáo dục và đào tạo, vùng Đồng bằng sông Hồng là dẫn đầu cả nước với nhiều kết quả tích cực, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra minh chứng cụ thể, trong đó có 2 con số nhận diện, đó là kết quả thi tốt nghiệp THPT (chất lượng đào tạo đại trà) và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia (đào tạo mũi nhọn) luôn chiếm ưu thế trong top 10 cả nước.
Một số thách thức giáo dục và đào tạo vùng đang đối mặt cũng được GS.TS Nguyễn Văn Minh chỉ ra. Trong đó có việc, dù tập trung hầu hết cơ sở giáo dục đại học lớn, nhưng chưa có sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.
Rất nhiều trường phổ thông ở các tỉnh/thành đạt “trường chuẩn”, có kết quả tốt, nhưng chưa có các hình mẫu điền hình, nhất là trong thời kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Rất nhiều khu công nghiệp ra đời, nhưng kèm theo đó là sự dịch chuyển cơ học về dân số, đặt ra yêu cầu về trường lớp, không gian hoạt động, đời sống văn hóa, tinh thần đang gặp không ít khó khăn, rộng hơn là dân trí, giáo dục môi trường.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài chất lượng mũi nhọn, cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp, nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy.
Đồng thời, bảo đảm đội ngũ về số lượng, cơ cấu, nhất là đội ngũ đáp ứng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm thu nhập giáo viên tương ứng với thu nhập vùng…
Chia sẻ kết quả, thuận lợi, thách thức của giáo dục địa phương, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên kiến nghị sớm ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để địa phương có căn cứ trong việc định hướng chiến lược phát triển giáo dục của địa phương. Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đồng thời cho rằng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, thực hiện hiệu quả đổi mới quản lý giáo dục, bảo đảm tính dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
Đồng thời coi trọng quản lý chất lượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.
Tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Song song với đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo.
Với các địa phương trong vùng, theo ông Nguyễn Văn Phê, cần tăng cường phối hợp, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, cách làm hay trong phát triển giáo dục ở mầm non, phổ thông. Hợp tác quy hoạch theo vùng trong quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tránh đầu tư dàn trải lãng phí thiếu hiệu quả.
Từ thực tiễn giáo dục Hà Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Anh Tuấn đề nghị, cần sớm có chỉ đạo điều chỉnh chính sách đối với việc thực hiện công tác phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm hướng dẫn các chế tài về chế độ chính sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định, hạn chế những sai phạm đáng tiếc.
Việc thực hiện tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung đối với ngành Giáo dục.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình thì đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thách thức vượt qua chính mình trong giáo dục và đào tạo
Phát biểu kết luận Hội nghị, bên cạnh ghi nhận những kết quả, thành tựu to lớn của giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dành nhiều thời gian đề cập tới những thách thức trong phát triển giáo dục và đào tạo của vùng xuất phát từ chính vị trí cao và những thành tựu trong hiện tại.
Thách thức đầu tiên, theo Bộ trưởng là thách thức “vượt qua chính mình trong giáo dục và đào tạo”. “Nếu từ vị trí thấp khi giải quyết được những vấn đề thấp sẽ lên cao, nhưng khi đạt được kết qủa tốt thì việc đổi mới nữa, tăng trưởng nữa sẽ là thách thức. Thách thức vượt lên chính mình”, Bộ trưởng lý giải, đồng thời cho rằng, những gì là kinh nghiệm có thể sẽ là rào cản, níu kéo và tạo nên sức ỳ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ở vị trí người dẫn đầu trong giáo dục cũng đặt ra cái khó cho Đồng bằng sông Hồng khi phải giải quyết nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và cả cung cấp nhân tài cho sự phát triển của vùng.
Với một vùng đất hiếu học, quan tâm tới sự học, giáo dục luôn nhận được quan tâm hàng đầu như Đồng bằng sông Hồng, theo Bộ trưởng, đây cũng là áp lực.
Thách thức cho giáo dục của vùng còn đến từ đặc điểm tập trung dân cư cao với đòi hỏi cao về giáo dục. Nếu một số vùng khác quan tâm tới chỗ học thì Đồng bằng sông Hồng không chỉ dừng lại ở việc đến trường có chỗ học mà là học với chất lượng cao, đòi hỏi cao.
Chỉ ra những hạn chế, tồn tại xuất phát từ nhu cầu học tập cao, sự quan tâm lớn với giáo dục, Bộ trưởng nhắc tới vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên; chọn trường, chọn lớp; dạy thêm, học thêm; áp lực thái quá cho học sinh; bệnh thành tích trong giáo dục;…
“Nếu ở vùng khác phải huy động trẻ đến trường thì ở đây phụ huynh phải xếp hàng để mua hồ sơ. Đó là câu chuyện phía sau của “tấm huân chương”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề cần ưu tiên xử lý ngay của giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng để tiếp tục là mẫu mực và mẫu mực trên một tầm vóc mới của giáo dục. Trong đó, lưu ý các từ khoá: Hiện đại hoá, chuẩn hoá, hợp lý hoá, xã hội hoá, quốc tế hoá, số hoá, văn hoá hoá.
Nhấn mạnh cần đặt trọng tâm hiện đại hoá giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là con đường quan trọng để hiện đại hoá, Bộ trưởng nhắc tới hiện đại hoá về cơ sở vật chất trường lớp, trong đó, cản trở đối với vùng Đồng bằng sông Hồng là “không phải không có nhưng cũ” và cái cũ đang cản trở khá nhiều khi “đập đi không xong, xây mới chưa được”; “làm thế nào để dũng cảm đập đi làm lại”.
Nhận định triển khai chương trình mới - một chương trình để hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục - như cuộc cách mạng lớn, không thể trong một sớm, một chiều thực hiện được mục tiêu, Bộ trưởng cho rằng, cần cố gắng thực hiện những gì là “lõi”, căn cốt trước.
Trong đó, có đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới tư duy giảng dạy của đội ngũ nhà giáo; tận dụng tốt quyền chủ động được trao cho nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên.
“Những năm đầu triển khai chương trình mới cho thấy, học sinh đã chủ động, năng động hơn. Đây chính là con đường hiện đại hóa giáo dục phổ thông muốn đạt được”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ở khía cạnh hợp lý hoá, Bộ trưởng cho rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng.
“Chuẩn hoá” cũng là từ khoá được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập với giáo dục Đồng bằng sông Hồng. Theo Bộ trưởng, so với cả nước, tỷ lệ trường chuẩn của vùng đạt cao rồi nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn mang tính quốc tế, nhất là ở các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…
Từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hoá để người học có nhiều cơ hội hơn, chia sẻ nhiều hơn cho hệ thống công lập, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Đối với xã hội hoá giáo dục, các địa phương vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tăng cường hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, để hệ thống này phát huy được, thể hiện được vai trò của mình.
Đối với tăng cường số hoá, Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành đang đặt trọng tâm là chuyển đổi số, xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành vào công tác quản lý; chuyển đổi số trong chuyên môn, quản trị, dạy và học ngày càng đòi hỏi đạt đến chiều sâu hơn. “Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, trong đó cần nhất là những biết quản lý, biết dùng và cần dùng”.
Với từ khóa “văn hóa hóa”, theo Bộ trưởng đây là nội dung quan trọng cần phải làm. Cụ thể, cùng với giáo dục văn hóa cho học sinh thì từng nhà trường, nhà giáo, học sinh phải làm việc nữa là “văn hóa hóa giáo dục”, để tố chất văn hóa của giáo dục ngày càng sâu đậm, mẫu mực.
Tập trung thực hiện tốt xây dựng văn hoá học đường; trong đó kỷ cương học đường, thái độ, ứng xử của người dạy, người học là trọng tâm. Việc làm sâu sắc các tố chất của văn hóa học đường giống như kháng thể, giúp lấn át các biểu hiện tiêu cực khác.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ cụ thể khác như chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; phát huy lợi thế của một vùng tập trung caop và đa đạng các trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét