ACV được “bật đèn xanh” đầu tư sớm Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới
Chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV xác nhận doanh nghiệp này sẽ cân đối đủ vốn giai đoạn 2021 – 2025 để nâng đời sân bay Đồng Hới.
Một số mẫu thiết kế nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới. |
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chủ sở hữu hơn 95% vốn điều lệ tại ACV vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đầu tư Dự án nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Liên quan đến về khả năng bố trí nguồn vốn Dự án nhà ga hành khách T2, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của ACV là 106.441 tỷ đồng, trong đó Dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 71.311 tỷ đồng); Dự án trọng điểm đã có quyết định đầu tư, đang triển khai thực hiện là 17.969 tỷ đồng; Dự án, công trình thiết yếu khác ACV thực hiện đầu tư theo trách nhiệm của người khai thác cảng/doanh nghiệp cảng hàng không, sân bay là 17.161 tỷ đồng, bao gồm nhu cầu vốn đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ Cảng hàng không Đồng Hới.
Trong đó, nguồn vốn khả dụng ước tính để cân đối đầu tư các dự án trong giai đoạn này của ACV là 53.390 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 50,16% nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025).
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, nguồn vốn đầu tư còn thiếu hụt khoảng 53.051 tỷ đồng (chiếm khoảng 49,84% nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025), dự kiến cân đối từ 2 nguồn chính: chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2022 là 9.786 tỷ đồng; huy động vốn (vay thương mại từ các ngân hàng trong nước và/hoặc nước ngoài, vay vốn xuất khẩu tín dụng, ...) là 43.265 tỷ đồng.
“Như vậy, theo báo cáo ACV có thể cân đối đủ nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm nguồn vốn đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới, công suất 3 triệu hành khách/năm”, văn bản của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ.
Về thời điểm thực hiện đầu tư Dự án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tại văn bản số 183/TB-BGTVT ngày 6/6/2023 của Bộ GTVT về việc triển khai đầu tư Cảng hàng không Đồng Hới, về kế hoạch tổ chức và triển khai nhấn mạnh: “... sớm đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 10/2023, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng quý II/2024.”
Vì vậy, chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại ACV, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Bình, các Bộ ngành hướng dẫn, phối hợp với ACV khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng, bàn giao mặt bằng và các hoạt động thực hiện dự án có liên quan, đảm bảo kế hoạch tổ chức và triển khai theo đề xuất của Bộ GTVT.
Trong văn bản số 273/BC – HĐQT gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 6/2023, ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT ACV đã đề xuất kế hoạch nâng đời Cảng hàng không Đồng Hới với nhiều thay đổi so với phương án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và UBND tỉnh Quảng Bình hồi năm 2021.
Cụ thể, ACV đề nghị gộp Dự án xây dựng nhà ga hàng khách T2 và Dự án xây dựng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Đồng Hới thành một dự án thay vì tách ra triển khai độc lập.
Theo đó, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và Mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới có mục tiêu xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình có diện tích sàn khoảng 16.800 m2, công suất 3 triệu hành khách/năm cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ; xây dựng 4 vị trí đỗ cho tàu bay Code C (A321/320 hoặc tương đương) trong giai đoạn 1 và thêm 4 vị trí nữa trong giai đoạn 2.
Với quy mô xây dựng như trên, tổng mức đầu tư án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và Mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.968 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng nhà ga khoảng 1.750 đồng và sân đỗ máy bay khoảng 218 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 94 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 124 tỷ đồng). Toàn bộ chi phí đầu tư nói trên sẽ được ACV huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay thương mại.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết, ACV dự kiến hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành phần 1 – Nhà ga hành khách T2 trong tháng 10/2023; khởi công Dự án thành phần 1 Nhà ga hàng khách T2 vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026. Đối với Dự án thành phần 2 – mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 1, ACV không nêu rõ thời gian khởi công nhưng cũng sẽ có tiến độ hoàn thành đồng bộ với Dự án thành phần 1. Riêng Dự án thành phần 3 – mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 2, ACV dự kiến bắt đầu sau năm 2025, nhằm đảm bảo đến năm 2030, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ có ít nhất 12 vị trí đỗ máy bay như quy hoạch.
Để đảm bảo tiến độ “nâng đời” Cảng hàng không Đồng Hới, ACV đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét bổ sung kế hoạch vốn do đơn vị này trình đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước trước đó.
ACV cũng muốn Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất chủ trương cho phép ACV triển khai thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga song song với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, đơn vị đang vận hành khai thác Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 10,6 ha đất quốc phòng; sớm hoàn thiện thủ tục thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng để có thể giao mặt bằng phục vụ thi công nhà ga T2 và sân đỗ trước quý II/2024.
“Để gỡ sớm nút thắt về mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Bình có thể tham khảo cách làm của UBND TP.HCM đối với Dự án nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với điểm nhấn là kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về giải phóng mặt bằng đối với đất quốc phòng tại Cảng hàng không Đồng Hới. Sau khi khu đất quốc phòng được bàn giao cho địa phương, địa phương sẽ giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Bắc (Cục Hàng không Việt Nam) theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Cảng vụ sẽ quyết định giao đất cho ACV – đơn vị đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo đúng quy trình của Luật Đất đai và Luật Đầu tư”, Chủ tịch ACV kiến nghị.
Trước đó, vào năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất cho phép đầu tư, khai thác Cảng hàng không Đồng Hới theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu quy định pháp luật hiện hành và Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không của một số cảng hàng không có tính chất tương tự đã được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Bình nhận định việc đầu tư, khai thác Cảng hàng không Đồng Hới theo hình thức xã hội hóa hiện tại đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, cần phải sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và thời gian triển khai thực hiện kéo dài...
Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị phương án ACV thực hiện đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới, tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hệ thống giao thông vận tải, thu hút đầu tư, liên kết - phát triển vùng, du lịch và việc làm, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quốc phóng - an ninh, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Bình sớm đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét