Dòng vốn FDI vẫn chọn Việt Nam là điểm đến, tạo dư địa cho ngành dịch vụ logistics tăng trưởng. Nhưng, thách thức của các doanh nghiệp logistics nội địa là làm sao kéo giảm chi phí, thời gian giao hàng nhanh.
Logistics tăng trưởng 2 con số
Ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ, đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa của đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 732,5 tỷ USD trong năm 2022.
Theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Các nhóm dịch vụ vận tải (đường biển, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt), cảng biển, dịch vụ giao nhận, kho bãi… đều có cơ hội tăng trưởng mạnh khi nhu cầu lưu chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế gia tăng.
Nhờ sự ổn định chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cũng tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để xây dựng hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử ở cả hai chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dẫu vậy, thẳng thắn nhìn nhận, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như chi phí cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ hạn chế, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, trong khi khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế.
Tăng tốc đầu tư, kéo giảm chi phí Chia sẻ tại Tọa đàm giới thiệu về Triển lãm quốc tế
Logistics Việt Nam 2023, ông Robbin Hou, Phó chủ tịch Phòng Thương mại xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc) đánh giá, ngoài phục vận chuyển hàng xuất khẩu, hàng hóa cho tiêu dùng nội địa, dịch vụ logistics đang có thời cơ để tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ sự thăng hoa của thương mại điện tử.
“Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó, thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn, đặt ra bài toán đầu tư về chuỗi cung ứng lạnh để đáp ứng vận chuyển thực phẩm. Đây tiếp tục là xu hướng được các doanh nghiệp logistics đẩy mạnh đầu tư”, ông Robbin Hou nhận định.
Với nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn, nhưng yêu cầu thời gian giao hàng nhanh, chi phí hợp lý, các hãng vận chuyển sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc tìm cách cạnh tranh hơn, giảm chi phí và cải thiện dịch vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Ratraco chia sẻ, doanh nghiệp đang tìm kiếm thêm các đối tác vận tải, kho bãi, cung ứng trang thiết bị như container lạnh, công nghệ xử lý làm sạch, khử khuẩn để tiếp tục hoàn thiện giải pháp vận tải container lạnh trên đường sắt cả nội địa và quốc tế.
Theo các doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng dưới sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các kho phân phối trở nên linh hoạt hơn. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động bán hàng truyền thống chuyển sang trực tuyến và thúc đẩy hoạt động đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
Kết quả khảo sát 80.000 người tiêu dùng thương mại điện tử tại Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia do Parcel Performance và iPrice Group thực hiện cho thấy, yếu tố chính đang hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử tại các nước Đông Nam Á là dịch vụ logistics chuyển phát nhanh.
Cuộc khảo sát chỉ ra sự hài lòng của người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tỷ lệ thuận với thời gian giao hàng. Trong 5 quốc gia được khảo sát, thời gian chuyển phát nhanh trung bình của Việt Nam dài tới 5,6 ngày, cho thấy dịch vụ chuyển phát nhanh của Việt Nam cần cải thiện rất nhiều.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét