Doanh nghiệp không chỉ cần sự đồng cảm của lãnh đạo địa phương
Bên ngoài một hội thảo được tổ chức tại Trà Vinh vào đầu tuần này, với sự tham gia của nhiều địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn tỉ mỉ bóc từng hộp bánh, tận tay mời mọi người xung quanh dùng thử.
“Sản phẩm chế biến từ dừa sáp, từ hoa dừa của doanh nghiệp Trà Vinh, đã xuất khẩu được rồi…”, Chủ tịch tỉnh Trà Vinh hào hứng giới thiệu từng mặt hàng, gồm cả công nghệ chế biến, công dụng và không ngần ngại trả lời các câu hỏi tò mò của những người xung quanh.
Trong số những người nếm thử, TS. Savas Tumis, vị doanh nhân đến từ Đức cẩn thận chụp lại từng hộp sản phẩm, chụp cận cảnh phần ghi tên doanh nghiệp sản xuất, địa chỉ liên hệ và tiết lộ sẽ có kế hoạch sử dụng, dù không nói rõ…
Rất khó để đánh giá ngay hiệu quả “quảng bá sản phẩm” của Chủ tịch Lê Văn Hẳn, nhưng rõ ràng, mọi người đã nhớ đến một sản phẩm của Trà Vinh - như cách mà ông nhiều lần nhấn mạnh khi giới thiệu những sản phẩm trên.
Cách đây một tháng, trong cuộc làm việc giữa một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với chính quyền một địa phương chuẩn bị các kế hoạch khôi phục du lịch sau 3 năm lao đao bởi Covid-19, một doanh nghiệp đã rất trăn trở khi đặt câu hỏi: “Có bao giờ chính quyền địa phương thực sự coi doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp là sản phẩm, dịch vụ của địa phương chưa?”.
Trước đó, doanh nghiệp này đã gửi một loạt kiến nghị, giải pháp tới chính quyền địa phương, trong đó đề nghị có kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương, gồm cả cách làm với người dân địa phương, với các địa phương khác và với các trọng điểm khách du lịch quốc tế, đồng thời đề xuất hỗ trợ giảm thêm một số loại phí, lệ phí... Song, đến khi mùa du lịch hè chính thức bắt đầu, mở màn bằng kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hồi âm từ địa phương, đồng nghĩa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để hút khách cũng chưa thể áp dụng.
Đây không phải là trăn trở của một vài doanh nghiệp riêng lẻ. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn khi thông điệp phổ biến mà họ nhận được từ các cuộc làm việc với chính quyền địa phương, các bộ, ngành luôn là lắng nghe và đồng cảm, nhưng dường như, mọi việc vẫn đang dừng lại ở đó…
Vấn đề là, vào thời điểm hiện tại, chỉ đồng cảm thì không thể gỡ được những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Chính phủ cũng nhìn nhận rõ yêu cầu này.
Trong Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 vừa được ban hành, các yêu cầu về đẩy mạnh cải cách hành chính đã được Chính phủ cụ thể hóa, từ việc rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh… đến yêu cầu tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…
Chính phủ cũng yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành... Song, thực tế cho thấy, sẽ không dễ thực hiện các công việc trên nếu không có sự thay đổi thực sự về cách nghĩ, cách làm của đội ngũ thực thi.
Nhắc lại các đề xuất của doanh nghiệp với địa phương đã nêu ở trên, không ít doanh nghiệp băn khoăn rằng, tại sao quyết định hỗ trợ, dành nguồn lực của địa phương để đi cùng doanh nghiệp lại khó khăn đến thế. Chẳng hạn đề xuất kéo dài những hỗ trợ đã có của địa phương nhưng chưa được thực hiện hiệu quả do dịch bệnh, như miễn giảm một số loại phí, lệ phí; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm… vẫn không được quan tâm. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể đặt niềm tin vào những đề xuất hỗ trợ dài hạn hơn, từ việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đến kiến tạo không gian pháp lý phù hợp cho các mô hình kinh doanh mới, các ngành đổi mới, sáng tạo…
Trong khi đó, các thông tin về việc kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… vẫn tiếp tục xuất hiện vào lúc này. Niềm tin kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, vì thế vẫn khá bấp bênh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét